EVN khẳng định không tăng giá bán lẻ điện

(PLO) -Đó là khẳng định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp của giới chuyên gia, đại diện các Sở, ban ngành, lãnh đạo các địa phương về Đề án Cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt vừa được EVN xây dựng.
Biểu giá điện mới sẽ chú ý đến chính sách hỗ trợ hộ thu nhập thấp. Ảnh: Hoàng Long.
Biểu giá điện mới sẽ chú ý đến chính sách hỗ trợ hộ thu nhập thấp. Ảnh: Hoàng Long.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, sau khi tổ chức hội thảo lấy ý kiến về giá điện tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại diện các Sở Công thương, Sở Tài chính, Hội Nông dân, Hội phụ nữ các tỉnh, thành phố… đóng góp và Đề án Cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt. Hầu hết, các ý kiến của các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu, căn cứ và những nguyên tắc cải tiến cơ cấu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt mà Đề án đã đặt ra.

Ông Tri cho biết: Các ý kiến đều đồng nhất với cách tiếp cận để định hướng việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là tiến hành đánh giá thực tiễn việc thực hiện biểu cơ cấu giá điện hiện hành để rút ra những ưu – nhược điểm, những tồn tại cần phải giải quyết; đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm xây dựng biểu cơ cấu giá điện của một số nước trong khu vực và trên thế giới để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn tiêu dùng điện ở nước ta.

“Các ý kiến  đồng tình với quan điểm nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện hiện hành, nhưng không làm tăng giá bán lẻ điện bình quân, không làm tăng doanh thu của ngành điện, nếu không tăng thêm sản lượng điện tiêu thụ so với dự kiến. Phần lớn các ý kiến tham gia đóng góp đều cho rằng, không thể có một phương án nào thỏa mãn được cho tất cả các đối tượng tiêu dùng điện, tuy nhiên khi thiết kế biểu giá vẫn phải theo hướng khuyến khích tiết kiệm điện, sử dụng điện có hiệu quả với nguyên tắc lũy tiến bậc thang, có chú ý đến chính sách hỗ trợ đối với hộ thu nhập thấp” - Phó Tổng Giám đốc EVN nhấn mạnh.

Theo Đề án Cải tiến cơ cấu biểu giá điện được EVN xây dựng,  EVN đưa ra 3 phương án cụ thể như sau: Phương án 1: Giữ nguyên như biểu cơ cấu gồm 6 bậc thang như quy định hiện hành. Phương án 2: Thống nhất một mức giá và phương án 3 là rút gọn biểu cơ cấu giá điện hiện hành xuống còn 3 hoặc 4 bậc với 5 kịch bản về cơ cấu biểu giá với mức tiêu thụ điện của từng bậc thang hác nhau.

Với 3 phương án trên, sau khi được EVN đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, đại diện các sở, ban ngành tại các cuộc hội thảo ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, EVN cho biết, với phương án 1, nhiều ý kiến cho rằng, không làm xáo trộn việc áp dụng biểu giá điện, thực hiện chính sách tiết kiệm điện nhưng phương án này có nhước điểm là, khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá của một số bậc chưa thật sự hợp lý, dẫn đến tình trạng có khoảng thời gian nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao (mùa nắng nóng) thì tốc độ tăng tiền điện cao hơn tốc độ tăng sản lượng điện tiêu thụ.

Đối với phương án 2, chỉ có một ý kiến đồng ý với phương án này (tương đương 3,7% số ý kiến). Theo ý kiến của đại biểu đồng ý với phương án 2, đây là phương án dễ áp dụng, dễ kiểm tra và bình đẳng. Ai dùng điện ít trả tiền ít, ai dùng nhiều trả tiền nhiều. Tuy phương án này có những khuyến điểm, nhưng đại biểu đồng tình phương án này cho rằng, cần cải cách một lần đồng giá như Singapore đã làm, chấp nhận gặp khó khăn một lần để ngay lập tức hướng tới cơ chế thị trường.

Với phương án 3, từ biểu cơ cấu giá bán điện hiện hành rút gọn lại còn 3 hoặc 4 bậc thang, EVN cho biết, phần lớn ý kiến đều đồng thuận (27/27 ý kiến, tương đương trên 96%). Phần lớn các ý kiến cho rằng, phương án này có nhiều ưu điểm khắc phục được phần lớn những nhược điểm của phương án 1 và phương án 2.

Đồng thời, phương án 3 thỏa mãn được các tiêu chí của việc lựa chọn phương án là phải thực hiện tốt nhất chính sách giá điện theo quy định của Luật Điện lực, tạo điều kiện để quản lý, kiểm tra giám sát việc sử dụng điện tốt hơn, ít nhược điểm nhất và tác động tăng giá thấp nhất đến các đối tượng tiêu thụ điện ít và trung bình.

Tuy nhiên, đối với phương án này, còn nhiều ý kiến đề xuất khác nhau. Có ý kiến cho rằng, cần xác định khoảng giãn cách mức giá giữa bậc thang ở mức hợp lý, không để quá xa. Một số ý kiến đề nghị giãn khoảng cách giữa các bậc thang, cụ thể, thay đổi mức sản lượng bậc thang đầu tiên là 0-100kWh/tháng thay vì 0-50kWh/tháng như hiện nay.

Phần lớn các ý kiến tại các cuộc hội thảo 3 miền đều đề xuất, biểu giá điện sinh hoạt phải bảo vệ lợi ích của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ công nhân viên chức có thu nhập trung bình chiếm đa số hộ sử dụng điện sinh hoạt hiện nay.  

Lãnh đạo EVN cho biết, trong tháng 10 này, EVN sẽ phối hợp với Cục Điều tiết điện lực và tư vấn tiếp tục lắng nghe ý kiến của dư luận, các nhà khoa học và cơ quan truyền thông để hoàn thiện Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo hướng phù hợp với chủ trương phát triển thị trường điện, nhằm tiếp tục thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có tính đến hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Sau khi tổng hợp toàn bộ ý kiến, EVN sẽ báo cáo Bộ Công thương để Bộ tổng hợp dự thảo Báo cáo trình Chính phủ Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. 


Đọc thêm