F1 cách ly tại nhà: Làm gì để bảo đảm an toàn cho người chung sống?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với diễn biến bệnh hiện nay, phương án cách ly F1 tại nhà đang được thí điểm và có khả năng triển khai rộng. Đồng thời, những phương án “sống chung với dịch” cũng được cân nhắc đến. Vấn đề là làm thế nào bảo đảm an toàn cho người chung quanh?
F1 cách ly tại nhà cần tuân thủ những quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo của các bác sĩ.
F1 cách ly tại nhà cần tuân thủ những quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo của các bác sĩ.

Nguyên tắc cách ly an toàn

Ngày 27/6, Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND TPHCM thực hiện việc cách ly tập trung những trường hợp tiếp xúc gần (F1) tại nhà. Phương án này dựa trên tình hình thực tế phòng chống dịch tại TPHCM thời gian qua: Nhiều bất cập, quá tải trong việc cách ly, đồng thời nhiều trường hợp lây nhiễm chéo chính trong khu cách ly. Việc áp dụng cách ly tại nhà có thể “giãn” gánh nặng cho các khu cách ly, đồng thời sẽ giúp tâm lý của người bị cách ly nhẹ nhàng hơn do được ở chung với người thân.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu việc cách ly tại nhà có hoàn toàn hiệu quả hay không khi trông chờ vào ý thức của người bị cách ly? Chính vì thế, Bộ Y tế cùng các chuyên gia y tế đã đưa ra những quy định lần lời khuyên cho việc áp dụng cách ly tại nhà.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người F1 cách ly tại nhà không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác, không tiếp xúc với động vật nuôi. Đồng thời, cũng không dùng chung các vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn xử lý rác thải sinh hoạt của người cách ly an toàn, như hằng ngày bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm ở trong phòng của người cách ly. Các rác thải thông thường được bỏ vào thùng đựng rác thải sinh hoạt, buộc chặt miệng túi và đặt ra trước cửa phòng để thu gom hằng ngày.

Đồng thời, F1 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu cách ly F1 tại nhà cần tuân thủ những nguyên tắc sau: Tạo không gian ngủ nghỉ, ăn uống, vệ sinh an toàn cho người trong nhà. Đồng thời, nếu trong nhà có người nguy cơ mắc bệnh sẽ nặng nên gởi đó đi nơi khác nếu có thể. Người cách ly nên được tạo điều kiện dễ nhất khi thực hiện xét nghiệm định kỳ. Lưu ý quan trọng là không ra khỏi nhà, tốt nhất là không ra khỏi phòng trong suốt thời gian cách ly.

Ngoài những hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương cũng đang cấp tập triển khai những biện pháp phù hợp với tình hình của từng nơi. Tại TP.HCM, cơ quan chức năng đang tính toán đến giải pháp giám sát sự tuân thủ của những người bị cách ly tại nhà, sử dụng công nghệ để giám sát người bị cách ly mà không xâm phạm quyền riêng tư của người bị cách ly.

Hiện TP cũng quy định hộ gia đình phải cam kết với địa phương các điều kiện như ở trong phòng riêng, không được ra khỏi nhà, có cán bộ y tế và cán bộ địa phương giám sát.

Tuy nhiên, phương án cách ly tại nhà cũng không phải luôn áp dụng với mọi đối tượng. Không phải nhà nào cũng đủ điều kiện để cách ly: Không gian sống chật chội, không có phòng riêng... Theo quy định của Bộ Y tế, nếu nhà ở không đủ điều kiện cách ly thì phải cách ly tập trung.

Giảm tải gánh nặng cho y tế địa phương

Một vấn đề cần cân nhắc là áp dụng cách ly F1 tại nhà như thế nào để giảm thiểu gánh nặng cho bộ máy y tế địa phương, chứ không phải “đẻ” thêm nhiều phiên hà, rắc rối, bởi hiện nay ngành y tế vốn đang trong tình trạng quá tải.

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, giải pháp là hướng dẫn và “giao” cho người bị cách ly một số việc mà họ có thể tự thân làm thay vì nhân viên y tế, đặc biệt là việc tự theo dõi, kiểm tra sức khỏe bản thân. “Khi cách ly tại nhà ngoài việc an toàn phải nghĩ đến giảm tải cho y tế địa phương. Tự thân F1 và người nhà dư sức chăm sóc và theo dõi sức khỏe, lấy nhiệt độ. Đây là một kiến thức thường thức tất nhiên ai cũng phải biết. Đồng thời, cơ quan y tế nên lập đường dây tư vấn sức khỏe cho F1 cách ly tại nhà”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng đề xuất, ngay cả xét nghiệm đình kỳ khi không có triệu chứng nên giao cho F1 tự làm test nhanh, cuối đợt nhân viên y tế sẽ quét lại bằng PCR. Mọi hoạt động hiệu quả, có tác dụng tránh tăng thêm việc không đáng cho nhân viên y tế địa phương đều nên cần áp dụng.

Đọc thêm