Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội đã tổ chức buổi gặp truyền thông với nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu đồng hành cùng chương trình.
Sinh Vật Cảnh từ một thú chơi văn hóa lâu đời của ông cha, ngày nay đã trở thành 1 trong 7 nhóm ngành phát triển nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/04/2018 của chính phủ; Là 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp được xét công nhận sản phẩm OCOP theo quyết định 919/QĐ - TTg ngày 01/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Là một trong những sản phẩm làng nghề cần bảo tồn và phát triển gắn với phát huy các giá trị văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội cho biết: "Festival Sinh Vật Cảnh năm 2024 Hà Nội mở rộng với sự tham gia của các tỉnh, thành trong cả nước là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 65 năm Bác Hồ phát động Tết Trồng cây (28/11/1959 - 28/11/2024). Đây cũng là cơ hội thúc đẩy kết nối giao thương, mở rộng thị trường phát triển Sinh Vật Cảnh Thủ đô với cả nước và thế giới; khẳng định vị thế của một trong 7 nhóm ngành phát triển nông thôn”.
Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội phát biểu. |
Theo ông Nguyễn Gia Thọ, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội, hiện nay hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh ngày càng có vị trí quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cây xanh không chỉ là điểm nhấn trong mỹ quan đô thị mà còn có tác dụng thanh lọc không khí, giảm bụi và nhiệt độ, đồng thời giữ ẩm cho môi trường. Việc tăng cường cây xanh tại các khu dân cư, công viên, hay ven đường góp phần tạo nên không gian sống trong lành hơn cho người dân. Bên cạnh đó, Sinh Vật Cảnh không chỉ dừng lại ở việc cải thiện môi trường mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân thông qua các hoạt động trồng trọt, kinh doanh cây cảnh, dịch vụ chăm sóc cây xanh, và tham gia vào các dự án phát triển cảnh quan. Phát triển ngành Sinh Vật Cảnh sẽ giúp tăng trưởng kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.
Vì thế, việc phát triển ngành Sinh Vật Cảnh sẽ góp phần bảo tồn những cảnh quan truyền thống, mảng xanh thực vật, các khu di tích lịch sử, và kiến tạo những không gian xanh trong không gian đô thị của Thủ đô.
Ông Hoàng Lịch Thiệp, chịu trách nhiệm về nhân sự và nội dung chương trình Festival Sinh Vật Cảnh cho biết, đến nay, đã có trên 500 chủ thể của 52 tỉnh/thành phố đăng ký trên 20.000 tác phẩm thuộc 05 bộ môn (Cây cảnh nghệ thuật; Đá cảnh; Gỗ lũa; Hoa lan; Chim cảnh) có quy mô tới 20.000 m2 với các phân khu như: Khu trưng bày tôn vinh 70 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc tượng trưng cho 70 năm Giải phóng Thủ đô; Khu trưng bày tôn vinh 1014 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tượng trưng cho 1014 năm Thăng Long - Hà Nội; Khu trưng bày Đá cảnh đá phong thủy Việt Nam; Khu giao lưu Sinh Vật Cảnh ba miền; Khu trải nghiệm "Hà Nội 12 mùa hoa"; Khu giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền…
Minh họa sản phẩm dự thi Festival 2024. |
Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong phát triển Sinh Vật Cảnh, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội cho biết, việc phát triển công nghệ trong ngành Sinh Vật Cảnh góp phần tăng cường hiệu quả công tác chăm sóc cây xanh, giảm thiểu chi phí và thời gian lao động. Các ứng dụng như tưới cây tự động, sử dụng các loại cây chịu hạn và dễ chăm sóc sẽ là yếu tố then chốt trong việc quản lý không gian xanh đô thị. Sinh Vật Cảnh có thể góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của bảo vệ môi trường thông qua các chương trình giáo dục, hoạt động cộng đồng. Sự tham gia của người dân không chỉ giúp tạo ra diện mạo xanh đẹp mà còn hình thành hình ảnh một Hà Nội thân thiện với môi trường.
Festival Sinh Vật Cảnh năm 2024 là cơ hội để tìm kiếm những giải pháp phát triển Sinh Vật Cảnh, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước hiện thực hóa những mục tiêu của phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động năm xưa trong bối cảnh xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh hiện nay.