Thách thức phát triển công trình xanh

(PLVN) -Theo Bộ Xây dựng, trước những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, các công trình xây dựng xanh cần được thực hiện nhiều hơn ở Việt Nam.
Số lượng công trình xanh ở Việt Nam còn khiêm tốn. (Ảnh minh họa).
Số lượng công trình xanh ở Việt Nam còn khiêm tốn. (Ảnh minh họa).

Số lượng công trình xanh còn khiêm tốn

Phát biểu tại Tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” diễn ra ngày 18/9 do Bộ Xây dựng tổ chức, ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng. Việc phát triển công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0 đã và đang là một trong những ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005 - 2010. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. “Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường” - ông Văn nói và cho rằng hiện Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Cụ thể, ngoài những tác động của đại dịch COVID-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn về tiếp cận và bảo đảm nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh; chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh để đưa vào sử dụng trong công trình… “Cần có thêm những kiến nghị, đề xuất các nội dung, giải pháp để dỡ bỏ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh, chuyển đổi xanh ngành Xây dựng trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Nhiều kế hoạch phát triển dự án xanh

Đại diện cho địa phương nêu quan điểm tại buổi Tọa đàm, theo ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tốc độ đô thị hóa của thành phố cũng như nhiều đô thị lớn khác ở Việt Nam những năm qua nhanh và mạnh. Sự bùng nổ dân số kèm theo nhu cầu phát triển các công trình cao tầng và các công trình nhà ở tại Hà Nội đã đem tới các mặt trái của đô thị hóa như ô nhiễm môi trường, thiếu các không gian xanh đô thị, quá tải năng lượng.

Trước những thách thức về môi trường, Hà Nội đưa ra nhiều kế hoạch để phát triển dự án xanh như các khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Mục tiêu chính của công trình xanh là giữ gìn bảo vệ môi trường, tạo lập môi trường sống hòa mình với tự nhiên. Mục tiêu quan trọng và lâu dài đối với Hà Nội là giữ gìn “lá phổi xanh” song song với quá trình triển khai các công trình xanh.

“Mục tiêu đầy thách thức nhưng chúng ta phải hành động” - ông Tuấn nói và cho biết, chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị Hà Nội đến năm 2025 là 7,8 - 8,1m2/người và đến năm 2030 là từ 12 - 14m2/người. “Hà Nội phấn đấu số lượng các đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030 là 3 - 5 đô thị” - ông Tuấn thông tin.

Một số giải pháp đã được Hà Nội đưa ra như xây dựng mới và hoàn thiện các công viên, vườn hoa. Xây dựng công viên giải trí, chuyên đề và công viên sinh thái gắn với hoạt động thể thao; giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái. Quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái bảo vệ môi trường sinh học dọc các tuyến sông nối kết với các không gian xanh, các trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội lớn của thành phố và khu vực nội đô lịch sử để tạo ra các đặc trưng môi trường…

Theo Bộ Xây dựng, việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Đọc thêm