FTA thế hệ mới: Doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu đáp ứng các quy định về sở hữu trí tuệ

(PLVN) - Để thành công trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp không chỉ cần sản phẩm chất lượng mà còn phải sở hữu một thương hiệu mạnh, được bảo hộ hợp pháp tại các quốc gia mà doanh nghiệp muốn thâm nhập, đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước thành viên các FTA.
Doanh nghiệp muốn khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế cần sở hữu một thương hiệu mạnh.
Doanh nghiệp muốn khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế cần sở hữu một thương hiệu mạnh.

Có thể nói các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các FTA là khuôn khổ pháp lý bảo vệ vững chắc cho các sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, giúp ngăn chặn hành vi làm giả, hàng nhái, bảo vệ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Các FTA thế hệ mới đã đơn giản hóa đáng kể thủ tục đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, cho phép doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình theo hình thức trực tuyến hoàn toàn, nhanh chóng và minh bạch. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tăng cường tính công bằng trong quá trình xét duyệt.

Cùng với đó, các FTA thế hệ mới đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ tại các nước thành viên, bao gồm cả việc phản đối hoặc đưa ra ý kiến đối với các đơn đăng ký đăng ký quyền sở hữu công nghiệp nộp ở nước thành viên các FTA.

Trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được những thương hiệu mạnh mẽ và được người tiêu dùng tin tưởng, khi ra thị trường quốc tế, họ lại đối mặt với tình trạng vô danh và thậm chí bị đối thủ cạnh tranh cướp mất thương hiệu.

Theo nguyên tắc quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ tại quốc gia mà nó được đăng ký. Vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam không tự động mang lại quyền bảo hộ tại các nước khác. Sự mơ hồ về quy định bảo hộ sở hữu trí tuệ trên thị trường quốc tế khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh mất cơ hội bảo vệ thương hiệu của mình, thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ nhãn hiệu (hay chỉ dẫn địa lý) của doanh nghiệp có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp nước khác.

Có thế nhận thấy, một trong những rào cản lớn khiến doanh nghiệp Việt Nam vẫn chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là chi phí, đặc biệt khi mở rộng sang thị trường quốc tế. Nhưng chi phí bỏ ra nếu xảy ra tranh chấp tốn kém hơn rất nhiều.

Các ý tưởng sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ là những tài sản vô hình vô cùng quý giá, góp phần tạo nên giá trị cốt lõi và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các FTA thế hệ mới đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng để tận dụng cơ hội mở rộng thị trường và tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

Các FTA thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lớn trên thế giới, điều này cũng đặt ra một số tiêu chuẩn, quy định cao hơn ở Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, nhất là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng; cùng với đó, doanh nghiệp Việt cần không ngừng đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực công nghệ, việc xây dựng và phát triển một hệ thống quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả là vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp bảo vệ thành quả lao động, nâng cao giá trị thương hiệu và mở rộng thị trường.

Đọc thêm