Người yêu đòi chia tay, Tôn Thất Đông Dương (1987, quê Kiên Giang) ra tay sát hại, nạn nhân là chị Lê Thị Lý. Ngày 30/10, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử lưu động tại xã Phước Thiền, Nhơn Trạch, Đồng Nai về tội “Giết người”.
Mù quáng
Buổi sáng trung tuần cuối tháng 10, tiết trời hanh khô. Chiếc xe thùng đặc chủng chở phạm nhân rẽ vào trong Ủy ban xã, tiến vào trước hội trường. Bị cáo bước xuống xe, hai tay và chân đều bị còng chặt. Phía trong phòng xét xử, gia đình người bị hại đang bần thần ôm chặt di ảnh người đã khuất khiến không khí trở nên tang thương.
Người dân trong xã kéo đến xem ngày một đông, có lẽ họ vẫn còn nhớ như y một vụ án mạng chấn động ở ngay khu công nhân sinh sống rất nhiều vào đầu năm 2018. Hơn ai hết, người ta muốn biết mức án dành cho kẻ nhẫn tâm giết người tình của mình tòa sẻ tuyên án như thế nào.
Sinh ra trong một gia đình có 2 người con, bị cáo Dương là con út, bố mất sớm. Thấy cuộc sống ở quê làm lụng vất vả, Dương khăn gói lên Đồng Nai làm công nhân. Hơn 2 năm trước, Dương đem lòng yêu chị Lý cùng làm chung công ty với mình. Nhưng tưởng tình yêu của người đàn ông này kết thúc bằng một đám cưới viên mãn, thế nhưng tất cả đều khép lại sau ngày định mệnh hôm ấy.
Theo cáo trạng, ngày 13/2/2018 trong lúc ăn cơm trưa cùng Dương tại phòng trọ, chị Lý nói lời chia tay Dương để lập gia đình. Đến khoảng 13h 30 phút cùng ngày, chị Lý đang ngủ, Dương lấy sợi dây điện dùng để cắm nồi cơm điện siết cổ chị Lý làm chị Lý tử vong.
Sau đó, Dương bế nạn nhân vào nhà vệ sinh rồi ra võng nằm nghỉ. Một lát sau, Dương vào lấy tất cả các nữ trang vàng, vòng, các loại thẻ ngân hàng và một chiếc xe máy rồi mang đi cầm cố. Ba ngày sau, chị Lý mới được phát hiện chết trong phòng trọ.
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội của mình, Dương bỏ trốn về quê và bị bắt sau 9 ngày gây án.
Tại phiên tòa, bị cáo Dương khai nhận biết chị Lý đã qua một lần đò, đã có một đứa con gái nhưng bị cáo muốn ở bên cạnh chăm sóc lâu dài cho chị Lý. Tất cả tiền lương của bị cáo đều đưa cho chị Lý giữ nên khi chị Lý nói chia tay để cưới chồng, bị hại rất ấm ức vì nghĩ mình đã bị phản bội.
Tòa hỏi: “Lúc giết chị Lý, bị cáo có nghĩ mình sẻ bị bắt không?” Bị cáo khai: “Biết nhưng bị cáo vẫn làm.”
Tòa hỏi: “Gia đình bị cáo có bồi thường cho gia đình bị hại chưa?”
Bị cáo đáp: “Dạ, chưa! Từ lúc bị bắt đến giờ, gia đình bị cáo không liên lạc và thăm bị cáo nên bị cáo không hay biết”
Từng câu hỏi, trả lời là từng nhát cắt đớn đau cho gia đình người bị hại và người tham dự phiên tòa.
Gia đình nạn nhân: Khổ chồng khổ
Ngồi hàng ghế sau, mẹ của bị cáo Dương là bà Nguyễn Thị Tuyết Mai gương mặt đau khổ, đôi mắt rưng rưng nhìn đứa con trai đang phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Suốt cả phiên tòa, người đàn bà trên đầu 2 thứ tóc cố nén chặt môi, không nói một lời. Bà biết con trai bà đã làm chuyện không thể tha thứ nhưng với tình mẫu tử, bà gắng gượng đi đến phiên tòa và bà biết mọi thứ đều bất lực.
|
Gia đình bị hại |
Từ ngày nghe tin con bị bắt, bà Mai như người mất hồn, suốt ngày đờ đẫn. Bà tự trách mình không biết dạy con mình đến nơi đến chốn nên mới để xảy ra tình cảnh như thế này. Mặt khác, bà không biết lấy đâu ra tiền để bồi thường cho nhà người bị hại. Bà cũng không biết liên lạc với ai để đi gặp con vì đến cái chữ bà còn chưa biết đến.
Đại diện Viện kiểm sát trình bày lời luận tội và đưa ra mức án tử hình. Bà Mai cất tiếng uất nghẹn rồi ngất lịm, khiến cả phòng xét xử một phen xôn xao. Nhìn người đàn bà mềm yếu được mọi người bồng ra khỏi phòng, trên gương mặt già nua tái xanh vẫn còn nhòe nước mắt, khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Trong hàng ghế đại diện ủy quyền cho người bị hại, bà Thúy (mẹ chị Lý) ôm chặt di ảnh đứa con gái không rời. Để kịp vào dự phiên tòa, một mình bà đã gắng gượng đi cả quãng đường dài 1.600km từ Nghệ An vào đây. Nhìn người đàn bà chậm rãi bước từng bước chân run run, ít ai biết rằng gia đình bà đã phải chịu quá nhiều những tai họa vừa ập đến.
Chị Lý là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Lớn lên, chị Lý vào Đồng Nai làm công nhân và đem lòng yêu 1 chàng trai người miền Tây và lập gia đình sinh được đứa con gái.
Hai năm sau, chồng chị Lý về quê và cưới vợ khác nên vợ chồng ly hôn. Để có thời gian kiếm tiền, chị Lý gửi con về ngoại nhờ chăm sóc và hằng tháng chu cấp tiền về nuôi bé. Ngoài thời gian làm trong xưởng, chị Lý còn bán hàng trên mạng để kiếm thêm thu nhập.
Vào dịp Tết nguyên đán, chị Lý về quê dẫn con gái và cả gia đình đi sắm đồ Tết. “Nó nói, nó chưa quen ai và sẽ không cưới chồng, gắng làm để nuôi con. Không ngờ vào đây chưa được 1 tháng mà xảy ra cớ sự như vậy”, bà bần thần kể lại.
Nỗi đau mất con chưa nguôi thì một tháng trước, chồng bà trên đường đi làm thợ về, không may bị tai nạn giao thông, giờ không đi lại được, nằm một chỗ. Sau khi chị Lý mất, chồng không còn khả năng lao động. Gia đình bà rơi vào cảnh túng quẫn. Vì quá đau buồn, người anh trai của chị Lý cũng bị tâm thần theo. “Bây giờ, tôi không gắng gượng thì biết mần răng đây”, bà Thúy khóc
Khi chủ tọa hỏi: “Gia đình bị hại có yêu cầu bồi thường gì không? Lúc này, bà mới sững người lại, bất giác đứng dậy lôi trong túi áo mảnh giấy đã được chuẩn bị từ trước và đọc to với chất giọng của người xứ Nghệ.
Bà nói: “Gia đình tôi đã vay mượn lo đám ma chay cho con gái, bây giờ đang nuôi cháu nội (con gái bị hại), gia đình hết sức khó khăn nên mong tòa xử theo pháp luật”.
Phiên tòa kết thúc, trước khi quay về trại giam, bị cáo chỉ kịp ngoảnh mặt nhìn tấm di ảnh người tình rồi lặng lẽ khóc. Người phạm tội cũng đã bị xét xử thích đáng nhưng nỗi đau của cả 2 gia đình thì không dễ gì nguôi ngoai...