Gài bẫy không thành

Tranh chấp kinh tế từ hơn 20 năm nay giữa một công ty của Đức, nay đã phá sản, với Chính phủ Thái Lan đang trở thành mắc mớ ngoại giao giữa Chính phủ Đức và Thái Lan.

Tranh chấp kinh tế từ hơn 20 năm nay giữa một công ty của Đức, nay đã phá sản, với Chính phủ Thái Lan đang trở thành mắc mớ ngoại giao giữa Chính phủ Đức và Thái Lan.

Chuyện thế này: Cách đây hơn 20 năm, công ty xây dựng DYWIDAG của Đức tham gia xây dựng 26 km đường cao tốc đến sân bay Don Muang của Thái Lan.

Năm 2001, công ty này hợp nhất với tập đoàn xây dựng Walter Bau. Năm 2007, tập đoàn này, khi ấy đã phá sản và được đặt dưới quyền quản lý phá sản của luật sư Werner Schneider, đòi Chính phủ Thái Lan bồi thường 30 triệu EURO vì không thực hiện đúng hợp đồng đã thỏa thuận với DYWIDAG. Chính phủ Thái Lan từ chối bồi thường.

Mới rồi, Thái tử Thái Lan Maha Vajirlongkorn đi chuyên cơ sang Munich. Ông Werner Schneider cho niêm phong chiếc Boeing 737 của Thái tử Thái Lan làm vật cầm cố để buộc Chính phủ Thái Lan phải bồi thường số tiền trên với lập luận chiếc Boeing đó thuộc sở hữu của Chính phủ Thái Lan.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya đã phải đích thân công cán nước Đức đàm phán với Chính phủ Đức để vị thái tử và chiếc Boeing có thể rời nước Đức với lập luận chiếc máy bay đó là tài sản riêng của Thái tử Kasit Piromya chứ không phải thuộc sở hữu của Chính phủ Thái Lan nhưng không thành công vì Bộ Ngoại giao Đức viện dẫn “tam quyền phân lập” ở Đức.

Sau đó, một tòa án ở Đức phán cho phép máy bay rời nước Đức nhưng phải có 20 triệu EURO thế chấp. Phía Thái Lan không chấp nhận nộp tiền. Vị thái tử đã cho đưa chiếc chuyên cơ khác và đã cùng bầu đoàn thê tử rời nước Đức, để lại chiếc Boeing 737 kia ở lại sân bay Munich cùng với trắc trở ngoại giao mới trong quan hệ giữa Đức và Thái Lan.

Việc tịch biên chiếc máy bay này chẳng khác gì một cái bẫy về pháp lý đối với Thái Lan: Phía Đức biết rằng Hoàng gia Thái Lan rất được trọng nể ở Thái Lan và  gây chuyện với Hoàng gia Thái Lan là cách có thể tạo áp lực tối đa tới Chính phủ Thái Lan.

Nếu nộp tiền chuộc, Chính phủ Thái Lan nghiễm nhiên công nhận trên thực tế chiếc máy bay thuộc sở hữu của chính phủ và đã sai trong vụ tranh chấp kinh tế với công ty DYWIDAG. Nếu không nộp tiền chuộc thì Chính phủ Thái Lan sẽ gặp khó dễ với cả Hoàng gia lẫn người dân ở Thái Lan vì bị cho rằng đã làm tổn hại đến thanh danh của Hoàng gia.

Chính phủ Thái Lan đã tránh cái bẫy ấy bằng liệu pháp khác: Phía Đức viện dẫn “tam quyền phân lập” thì phía Thái Lan tách bạch giữa sở hữu của Hoàng gia với tài sản của chính phủ. Thái tử Thái Lan đã rời nước Đức và phía Đức cũng chẳng thể tự ý phát mại chiếc máy bay đó.

Hiện chưa biết hai bên sẽ tiếp tục giải quyết vụ việc này như thế nào và liệu có bên nào mắc bẫy bên nào không.

Thiên Lang

Đọc thêm