Gam màu bình yên trong thế giới hỗn loạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thế giới hoảng loạn và bối rối của những người đang đấu tranh với căn bệnh tâm lý, hiện lên gam màu bình yên đó là các chuyên gia, hướng dẫn tư vấn tâm lý. Họ là điểm tựa vững chắc đối với khách hàng của chính mình. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp trầm tĩnh, an yên, những người làm về tâm lý cũng có những câu chuyện, nỗ lực thầm lặng của riêng họ.
Cô Khuất Thị Hoa (áo trắng ở giữa) và học sinh, sinh viên trong Trường FPT.

Cô Khuất Thị Hoa (áo trắng ở giữa) và học sinh, sinh viên trong Trường FPT.

Đến với nghề nghiệp nhờ chữ “duyên”

Cổ nhân thường có câu: “Nghề chọn người”, trong trường hợp của Tâm Anh – một Life Coach là hoàn toàn đúng. Chị chia sẻ: “Chị không phải là bác sĩ tâm lý hay chuyên gia tâm lý. Chị là một Coach, tức là một tư vấn, người dẫn dắt luôn bên cạnh bạn, giúp bạn hoàn thành một chặng đường”. Chị là người đồng hành, cố vấn về tâm lý cho khách hàng trong lĩnh vực đời sống. Hiện tại, chị đang hỗ trợ rất nhiều phụ nữ ở mọi lứa tuổi thoát khỏi khủng hoảng tinh thần về gia đình, hôn nhân… thông qua các khóa học online hoặc trực tiếp.

Tuy nhiên, không ai biết rằng trước khi trở thành một người hướng dẫn tâm lý, Tâm Anh vốn là nhân viên của công ty du lịch. Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ năm 2020, “du lịch bị đóng băng”, chị Tâm Anh cũng tạm thời phải nghỉ việc ở nhà. Một lúc đối mặt với cả sự thiếu hụt tài chính, mất việc làm, gia đình có nhiều biến động. Chị bỗng trở nên bất an, hoang mang trong cuộc sống này. Chị đã nhờ sự trợ giúp của một người hướng dẫn tâm lý (Life Coach) có tiếng ở Việt Nam – cô Tuệ An. Chị chia sẻ: “Vô nghĩa là không, thường nghĩa là thường xuyên. Không có cái gì là vĩnh cửu, không biến đổi trong cuộc sống này”. Cho nên, chị đã không còn cố chấp sống theo “ý của người khác nữa”, không dựa vào niềm vui của chồng, của con, tiền bạc hay những lời khen ngợi để làm thước đo nữa.

Đến khi chị thấy tuyển người hướng dẫn tâm lý (Life Coach). Chị nghĩ rằng, mình sẽ thử làm, đây là một nghề nghiệp mà ngay cả chính mẹ đẻ cũng nói: “Mẹ nghĩ công việc này không có trọng lượng”. Mẹ chị lo lắng con mình sẽ không kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng chị vẫn quyết tâm với tâm niệm trong đầu “Mình sẽ làm được!”. Đã từng có nhiều lúc, nghe quá nhiều chuyện buồn đến từ những người phụ nữ đang bất lực, chị cũng rất muốn bỏ việc. Tuy nhiên, ước mơ thuở bé được làm cô giáo để giúp mẹ và dì không phải sống trong cuộc đời chịu sự “đàn áp” của tính gia trưởng từ những người đàn ông trong nhà. Chị quyết tâm hỗ trợ tất cả những người phụ nữ đang trong hoàn cảnh khó khăn đó, thậm chí nhiều người được chị hỗ trợ miễn phí.

Đối với chị Tâm Anh, yêu thương để trao đi, không cần trả ơn.

Đối với chị Tâm Anh, yêu thương để trao đi, không cần trả ơn.

Khác với chị Tâm Anh, cô Khuất Thị Hoa, hiện đang làm Giám sát chuyên môn phòng Tâm lý đại học FPT đến với ngành Tâm lý từ khi còn là sinh viên. Bản thân cô không hề biết rõ ngành tâm lý trước khi thi đại học. Tuy nhiên, cô Hoa luôn có mong muốn được hiểu biết nhiều hơn về tâm lý của con người. Cô cho biết: “Cô thích cảm nhận người ta nghĩ bao nhiêu, mình hiểu người ta đến đâu”. Cô đỗ vào khoa Tâm lý Giáo dục – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng là một cái duyên. Cái duyên này đã đưa cô đến với rất nhiều các trường THCS, THPT và Đại học, nơi cô có thể hỗ trợ được các em học sinh, sinh viên giải quyết những vấn đề bên trong của mình. Bản thân cô Hoa cho biết, cô được đào tạo về cả Tâm lý lâm sàng và Tâm lý học đường dưới sự hướng dẫn tận tình từ nhiều giáo sư từ học viện tâm lý Hoa Kỳ cùng cơ hội lĩnh hội kiến thức từ nhiều nhà tâm lý hàng đầu Việt Nam như PGS. TS Trần Thành Nam, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, PGS.TS Đặng Hoàng Minh, PGS.TS Trần Văn Công... nhưng niềm đam mê lớn nhất của cô nằm trong môi trường giáo dục.

Đối với cô, mỗi thành viên trong gia đình chính là một mắt xích quan trọng, các em học sinh, sinh viên cũng vậy. Nếu như bố mẹ “xích mích” với nhau, con cái đã phải gánh chịu rất nhiều hậu quả thì ngược lại, khi những đứa trẻ gặp sự bất ổn trong tâm lý, gia đình cũng trở nên bất ổn. Cô Hoa lấy ví dụ căn bệnh trầm cảm: “Như em biết đấy, căn bệnh trầm cảm là một trong hai nguyên nhân hàng đầu thế giới dẫn đến cái chết”. Vì vậy, một đứa trẻ mắc bệnh về tâm lý, khiến cho cha mẹ phải lo lắng, thậm chí không thể làm việc được vì lo mất đi đứa con bé bỏng của họ. Đó là một trong rất nhiều lý do khiến cho cô Hoa luôn tâm niệm mình phải hết lòng với nghề, hết lòng hỗ trợ cho những học sinh, sinh viên ổn định được tâm lý.

“Trẻ tuổi không có nghĩa là không thể thấu cảm”

Có một câu nói rất hay: “Đừng đánh giá một cuốn sách chỉ dựa vào bìa của nó”. Rất nhiều người tin rằng, một chuyên gia tâm lý hoặc người hướng dẫn tâm lý sẽ phải đứng tuổi, như vậy họ mới có kinh nghiệm và vốn sống phong phú để giải quyết vấn đề. Khi mới bắt đầu vào nghề, chị Tâm Anh và giảng viên tâm lý Khuất Thị Hoa đều từng bị nghi ngờ năng lực của mình.

Chị Tâm Anh – người hướng dẫn tâm lý (31 tuổi) vào nghề khi tuổi đời mới 28 – 29. Bản thân chị nhìn cũng trẻ hơn so với tuổi. Chị Tâm Anh tâm sự: “Hồi mới vào nghề, nhiều người nhìn mình với ánh mắt nghi ngờ, vì trông mình trẻ thế này, ít tuổi hơn họ, làm sao giúp nổi họ?”. Chị đã cố gắng mặc những bộ quần áo tối màu để khiến cho mình trông già hơn so với tuổi thật. Nhưng sau này, chị hiểu rằng: “Bản thân hãy là chính mình, vẻ bề ngoài không quan trọng. Quan trọng là những giá trị mà chúng ta hỗ trợ cho chính những khách hàng của mình”.

Chị Tâm Anh chia sẻ rằng, khách hàng của chị đa dạng trong mọi lứa tuổi, từ những bạn trẻ 25 – 45 tuổi, thậm chí có những người 50 - 60 tuổi, có khách hàng chị ấn tượng nhất bởi đó là một cụ bà đã 70 tuổi. Hầu hết, mọi người đều nghĩ, ở tuổi 70, đó phải là những ông, bà cụ đã “cứng” về tinh thần và vốn sống. Nhưng chị Tâm Anh cho rằng: “Điều đó không hoàn toàn đúng, bởi vì, không quan trọng tuổi thật của bạn bao nhiêu. Quan trọng là tuổi tâm hồn của bạn thế nào?”.

Chị kể về câu chuyện của những người đã 60 – 70 tuổi. Tuy nhiên, hạnh phúc gia đình gặp rất nhiều vấn đề. Ví dụ như việc hai vợ chồng 70 tuổi đã về hưu, nhưng người chồng lại thích giao lưu hội thơ văn, bạn bè. Tại đây, người chồng gặp được “tri kỉ” ở tuổi xế chiều của mình, hai người thân thiết, nhiều khi vượt qua cả giới hạn tình bạn. Chính vì vậy, người vợ đâm ra u uất, phiền muộn. Mọi thứ tích tụ lại đến khi không thể chịu được sẽ nhờ đến sự hỗ trợ và tư vấn của chị.

Chị Tâm Anh cho rằng, thay đổi một con người là không thể. Có nhiều khách hàng tâm sự về việc gia đình có người thứ 3 chen chân vào, nhưng chị đã khuyên họ buông bỏ “chấp ngã”, đừng cố gắng thay đổi người chồng hay có tâm lý nạn nhân. Bản thân họ phải tự thay đổi mình, hai người kia không làm cho họ bất hạnh, chính những suy nghĩ tiêu cực mới làm họ khổ. Việc họ làm, đó là hãy hành động, tập những thói quen tốt cho chính mình, khi mình hạnh phúc thì mọi nỗi đau cũng hóa “thinh không”. Vì vậy, chị Tâm Anh quyết định chú trọng đến nỗ lực hỗ trợ, đồng cảm, thấu cảm và đồng hành với khách hàng, hơn là nghĩ xem “hôm nay mình xấu hay đẹp, già hay trẻ?”.

Cô Khuất Thị Hoa cũng chia sẻ, bản thân cô vào nghề Tâm lý từ khi còn khá sớm khi cô 23 tuổi. Cô dành phần lớn thời gian làm ở các phòng tư vấn cho những trường THCS, THPT. Tại đây, cô nghe rất nhiều câu chuyện buồn, như việc học sinh và phụ huynh ngày càng xa cách nhau trong thời đại ngày nay. Có phụ huynh tâm sự với cô về đứa con của mình: “Con và bố mẹ rất ít khi gặp nhau. Mỗi ngày, con đều về nhà đi lên phòng đóng sầm cửa lại. Đến bữa cơm chỉ ngồi bàn ăn qua loa, thậm chí nhiều hôm còn bê cơm lên phòng ăn”. Ngày nay, bố mẹ bận rộn đi làm, các cháu lại được tiếp xúc với internet, điện thoại từ rất sớm. Cho nên, việc kết nối những thành viên trong gia đình không còn được như ngày xưa. Cô Hoa cũng cho hay, con cái gặp những biến cố tâm lý, tình cảm, mối quan hệ gia đình, bố mẹ gần như không thể biết, chỉ đến khi mọi việc đã quá nặng, họ mới vội vàng đưa con đi điều trị tâm lý. Rất nhiều bố mẹ thường tự tin mình là người đẻ ra con cái, cho nên bản thân mình sẽ hiểu nhất. Chính vì vậy, họ nghi ngờ những giáo viên, bác sĩ tâm lý trẻ hơn mình.

Tuy nhiên, theo cô Hoa, tâm lý, hành vi của trẻ rất khác, đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì, khi cơ thể thay đổi một cách nhanh chóng. Cô Hoa chia sẻ: “Khoảng 70% trẻ trong độ tuổi dậy thì thường chống đối hoặc xa cách bố mẹ của mình”. Chính vì vậy, việc tìm một người có thể đồng cảm và cao hơn là thấu cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ để hiểu những gì trẻ đang suy nghĩ, cảm nhận nỗi đau của các bạn ấy.

Cô Hoa luôn tâm niệm con cái là một “mắt xích” quan trọng trong gia đình.

Cô Hoa luôn tâm niệm con cái là một “mắt xích” quan trọng trong gia đình.

Hạnh phúc là cho đi mà không cần trả ơn

Có một từ các nhà tâm lý và những người hướng dẫn tâm lý thường dùng đó là “rác”. Phần lớn, những người làm việc trong ngành tâm lý đều phải thường xuyên nghe những câu chuyện tiêu cực. Những bệnh nhân tìm đến họ, hầu hết lâm vào tình trạng bối rối, hoang mang đến cùng cực. Ở Mỹ, đây là một trong 7 ngành nghề độc hại nhất, những người trong ngành sẽ có chế độ chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này chưa được chú ý, chính vì vậy, họ phải tự thân cố gắng để có được sức khỏe tinh thần tốt nhất.

Cô Khuất Thị Hoa tâm sự: “Bản chất cảm xúc là lây lan”. Chính vì vậy, mình nghe chuyện vui, mình sẽ thấy vui và ngược lại. Một ngày, nếu cô hỗ trợ từ 4 – 5 ca thì không thể tránh khỏi việc bị lây nhiễm những cảm xúc tiêu cực. Đối với cô Hoa, các chuyên gia tâm lý phải “lắng nghe thấu cảm” tức là đặt mình vào vị thế, cảm nhận nỗi đau. Tuy nhiên, chính các chuyên gia tâm lý cũng không được rời bỏ vị trí của mình, cô Hoa vui vẻ nói rằng: “Nhà tâm lý phải có một hệ thần kinh thép”. Tức là họ phải tự trị liệu cho mình, sau khi bước ra khỏi phòng tư vấn tâm lý, họ lại trở thành một người mẹ, người vợ.

Cô Hoa cũng thường tìm đến việc thiền định hoặc tập yoga để cân bằng lại cảm xúc của mình. Đối với cô, việc hít thở sâu giúp tâm của cô bình an trở lại. Tập các bài tập thăng bằng yoga, giúp tâm trí của cô không bị lung lay. Đây cũng là một trong những cách cô áp dụng để dạy cho những học sinh của mình trong các khóa học.

Chị Tâm Anh cũng có những cách trị liệu giống như cô Hoa. Bản thân chị cho biết, mình thường xuyên tập thiền. Chị cho rằng mỗi người đều có nguồn năng lượng riêng, khi chúng ta hỗ trợ những người khác là chúng ta đang cho đi. Vì vậy, thiền định giúp chị nạp lại năng lượng, loại bỏ hết những tiêu cực đã hấp thụ từ người khác.

Đối với chị Tâm Anh, chị luôn cố gắng để mình có thể giữ vững tinh thần tích cực mỗi ngày, chị chọn cách cho đi yêu thương của mình có thể là của cải, vật chất, cũng có thể đó là những lời động viên, hướng dẫn. Miễn là có người cần thì chị sẽ làm, bởi đối với chị: “Có mình cứ cho đi, không cần trả ơn, mình giúp người khác đó chính là giúp mình hạnh phúc”. Chính vì vậy, mỗi ngày, dù căng thẳng, mệt mỏi, bước về nhà, chị vẫn là “cột năng lượng tích cực” cho chồng và con của mình.

Đọc thêm