Game thủ vào tù vì lỡ ném chuột vào màn hình máy tính

(PLO) - Bực tức vì bị khóa máy chơi game, Trần Đức Thắng ném chuột vào màn hình để trút giận. nào ngờ, màn hình vỡ, Thắng vướng vòng lao lý.
Bị cáo Thắng đã có nhiều lần vi phạm pháp luật nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ

Ném con chuột vào màn hình máy tính

Trần Đức Thắng,  25 tuổi (ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), là bị cáo trong vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Bị cáo đứng nơi vành móng ngựa, nhỏ giọng khai nhận hành vi của mình. Để dẫn đến việc phải đứng nơi vành móng ngựa, nguyên nhân bắt đầu vào một buổi chiều bị cáo đi chơi game với bạn. 

Thắng chơi game ở một tiệm game ở phường An Cựu. Sau khi Thắng vào tiệm mở máy chơi game được một lúc thì hết tiền trong tài khoản nên máy tự động khóa. Thắng nhắn tin qua hệ thống máy tính, yêu cầu người trông coi quán internet mở lại máy để Thắng tiếp tục chơi, nhưng người kia trả lời không mở được, vì quy định của quán khách phải nộp tiền vào tài khoản mới được chơi. 

Bực tức, Thắng lấy con chuột máy tính mình đang sử dụng ném vào màn hình máy tính bên cạnh rồi bỏ về. Hậu quả màn hình máy tính bị rạn nứt, thiệt hại 90% giá trị, con chuột kia bị ném cũng hư hỏng. Tổng thiệt hại mà bị cáo gây ra là 3,3 triệu đồng.

Chủ tiệm game nghe nhân viên báo lại thì vội vã đến quán kiểm tra, đồng thời trích xuất camera trong quán. Mọi hành vi của Thắng, đều bị camera ghi lại được. Chủ tiệm liền gửi đơn lên công an yêu cầu xử lý. Sau khi Thắng nghênh ngang bỏ đi khỏi tiệm, đâu biết chủ tiện đã kiện lên công an.

Tại phiên tòa, trả lời câu hỏi bị cáo có hiềm khích gì với chủ tiệm internet không? Bị cáo nói không. “Vậy có quan hệ gì với chủ quán không?”. “Dạ không. Bị cáo chỉ là khách quen lui tới chơi game”. “Hôm đó tại sao lại phá quán?”. Bị cáo khai lúc mở máy chơi, tài khoản báo còn 30 phút nữa mới hết tiền. Vậy nhưng máy bị ngắt. Bị cáo kêu nhân viên mở thì nhân viên không mở. Hỏi lý do thì bảo chủ quán không cho mở. Bị cáo nhất thời tức giận mới ném con chuột máy tính, không ngờ lại bể màn hình. Thấy máy bị bể, bị cáo hoảng sợ nên bỏ chạy. Bị cáo không hề cố ý. 

Bản án 2 năm tù

Sau khi vụ án xảy ra, bị hại yêu cầu bồi thường 3,3 triệu. Mẹ bị cáo thay con bồi thường 2 triệu đồng. Bị hại không có yêu cầu gì thêm, đồng thời có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tại phiên tòa xử, bị hại có đơn xin vắng mặt.

Tòa hỏi mẹ bị cáo có ý kiến gì về khoản tiền đã thay con trai bồi thường. “Bà có yêu cầu bị cáo sau này phải trả lại không?”, tòa hỏi rõ. Mẹ bị cáo vội vã lắc đầu. Bà bảo con dại cái mang. Con làm hư của người ta, làm cha làm mẹ phải thay con trai bồi thường, sao có thể đòi con trả lại. Người phụ nữ cho biết, khi con trai làm hư đồ đạc quán người ta, trong nhà cũng không ai hay biết. Đến khi con trai bị bắt, cả nhà mới tá hỏa. Không nghĩ chỉ 3 triệu đồng, cũng khiến con mình lâm vào cảnh tù tội. Nhưng có ăn năn, có chạy đi khắc phục hậu quả cũng đã muộn.

Vị hội thẩm lắc đầu phê bình người mẹ, bảo con chị quá hư. Lớn rồi không nghề nghiệp, còn suốt ngày chơi game. Không có tiền, người ta không cho chơi thì hủy hoại tài sản trong quán,. Người mẹ xấu hổ cúi đầu, đỏ mặt phân bua. Bà bảo nhà mình cũng cực khổ. Suốt ngày vợ chồng lo làm lụng để nuôi 5 đứa con. Quanh năm suốt tháng cứ quần quật như thế, chỉ lo cho con cơm no áo ấm, mà lơ là dạy dỗ. Đến khi giật mình nhìn lại, thì con đã hư hỏng mất rồi. Tre già sao uốn nắn, giờ muốn khuyên nhủ, răn dạy thì con đã chẳng chịu nghe lời. 

Tòa hỏi bị cáo thấy hành vi của mình thế nào? Bị cáo nói đã biết sai. “Sai mấy lần rồi?”. “Dạ hai lần”. “Hai lần rồi vẫn không chịu rút kinh nghiệm? Chẳng lẽ bị cáo không thấy làm người đang hoàng, sống cuộc sống đàng hoàng, lương thiện vẫn tốt hơn là vào tù ra tội sao? Bị cáo nhớ những lần trước mình vi phạm gì không?”.

Bị cáo khai, năm 2007, lúc đó mới 15 tuổi. Do nhiều lần có hành vi trộm cắp tài sản nên bị UBND TP Huế ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng với thời hạn 24 tháng. Đến năm 2012, bị cáo tiếp tục bị TAND TP Huế xử phạt 9 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”. Đến năm 2016, bị cáo lại tiếp tục bị phạt 1 năm tù về tội “trộm cắp tài sản” với tình tiết “tái phạm”.

Theo tòa, viện kiểm sát truy tố bị cáo ở khoản 2 là đúng pháp luật, vì bị cáo có 2 tiền án, chưa được xóa án tích, theo luật định là tái phạm nguy hiểm. Bị cáo cũng chưa chấp hành án xong là chưa nộp tiền án phí. Mẹ bị cáo bối rối xin ý kiến. Bà bảo vừa rồi mình đã thay con trai đến tòa nộp án phí. Vì vậy con trai bà đã chấp hành xong bản án trước đó. Tuy nhiên, vị chủ tọa giải thích, sau khi bị cáo gây án rồi bị bắt, người mẹ mới nộp án phí của bản án trước đó, do đó không được xem xét. 

VKS đề nghị tòa xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ cho bị cáo. VKS đề nghị tòa xử ở mức hình phạt dưới khung, từ 1 năm 6 tháng đến 1 năm 9 tháng. Tuy nhiên, HĐXX quyết định xử mức hình phạt ngang khung, tuyên 2 năm tù. Mặc dù không phải lần đầu con trai đi tù, nhưng nghe mức án, người mẹ vẫn có vẻ choáng váng. Bà cứ lẩm bẩm than thở, 3 triệu mà đổi những hai năm tù, nặng quá trời ơi.

Đọc thêm