Gần 10 ngàn video clip, link vi phạm đã được Goolge, Facebook gỡ bỏ

(PLVN) - Thống kê cho thấy, từ tháng 01/2020 đến nay, có 543 video clips vi phạm bị You Tube gỡ bỏ. Trong khi đó, Google cam kết không chia sẻ doanh thu quảng cáo cho các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam khi được Bộ Truyền thông Thông tin thông báo.   
Ảnh minh họa

Đây là một trong những nội dụng đáng chú ý được Chính phủ đưa ra trong Báo cáo Tổng hợp việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 7, 8 Quốc hội khóa XIV.

Theo Báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, thanh toán, thuế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, Apple) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin độc hại đối với trẻ em. Xử lý nghiêm các đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo; nội dung thông tin xuyên tạc, không đúng  sự thật gây hoang mang trong xã hội.

Bộ TTTT cũng đã triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phát triển với một số dịch vụ trọng tâm để dần thay thế được các nền tảng của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân sử dụng Internet trong nước đề cao ý thức, biết sàng lọc, cảnh giác với các nội dung thông tin xấu độc, phản cảm, thông tin vi phạm pháp luật. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP nhằm hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.

Đáng chú ý, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đối với Facebook, tỷ lệ chặn gỡ các tài khoản giả mạo, bài viết xuyên tạc, đưa thông tin sai lệch, quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng…đạt 70%. Hiện nay Facebook cam kết và đã triển khai trên thực tế việc ngăn chặn, gỡ bỏ 100% tin giả, thông tin vi phạm pháp luật liên quan đến Covid-19; nâng tỷ lệ thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, đối với Google, tỷ lệ chặn gỡ nội dung vi phạm đạt 85%. Từ năm 2017- 2019: Trên YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ: 9501 video vi phạm. Từ tháng 01/2020 đến nay: Tổng số video gỡ đến nay là 543 video clips.

Đối với AppStore, Bộ TTTT, đã phối hợp để yêu cầu các nhà phát hành các ứng dụng trên AppStore phải xin phép theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. AppStore đã gỡ 13/44 game không phép, game có nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ TTTT.

Về chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, báo chí; có giải pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bộ TTTT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành (Bộ Y tế, Bộ Công thương, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an) triển khai Chỉ thị số 17/ CT-TTg ngày 09/5/2017. Tăng cường đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook phải ngăn chặn, gỡ bỏ các vi phạm về quảng cáo như quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc vi phạm quy định, quảng cáo, bán hàng nhái, hàng giả, hàng không được phép kinh doanh, quảng cáo game cờ bạc… và đồng thời tiến hành xử lý vi phạm hành chính với các trường hợp thu thập đủ bằng chứng, xác định được nhân thân;

Yêu cầu các nền tảng phải đóng thuế theo quy định đối với các dịch vụ quảng cáo phát sinh thu nhập tại Việt Nam; phối hợp Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát việc thanh toán cho hoạt động quảng cáo vi phạm pháp luật VN. Phối hợp với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch để sửa đổi Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Đồng thời yêu cầu các trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, báo điện tử phải tăng cường rà soát, kiểm tra thường xuyên các hoạt động hợp tác quảng cáo trên trang web, báo điện tử, tránh tình trạng không kiểm soát được nội dung quảng cáo được đặt trên trang của mình.

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, từ năm 2018 đến nay, Google đã ngăn chặn hơn 7000 video clips vi phạm, Facebook đã gỡ bỏ 2444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp. Google cam kết không chia sẻ doanh thu quảng cáo cho các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam khi được Bộ TTTT thông báo. Thực hiện thu thuế các tổ chức, cá nhân sáng tạo nội dung trên Youtube được chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo.

Đọc thêm