Gần 1.400 doanh nghiệp tại Bình Dương đăng ký bảo đảm sản xuất trong điều kiện có dịch

(PLVN) -  Trước tình trạng COVID-19 bùng phát, đã có 1.362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự đảm bảo sản xuất trong điều kiện có dịch; có 46 doanh nghiệp có văn bản đề nghị cho người lao động ở lại nhà máy “vừa lưu trú, vừa sản xuất” với tổng số lao động đăng ký gần 10.000 người.
Gần 10.000 lao động Bình Dương đăng ký ‘vừa lưu trú vừa sản xuất’ (Hình minh họa).

Theo Ban quản lý các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương, đến nay, toàn tỉnh có 29 KCN, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN đã thu hút 2.977 dự án đầu tư, gồm 2.319 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 25 tỷ 280 triệu USD và 658 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 77.300 tỷ đồng.

Tổng số lao động làm việc trong các KCN trên địa bàn tỉnh là 485.700 người, trong đó có hơn 90% lao động là người ngoài tỉnh, gần 15.000 lao động người nước ngoài.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN vẫn được duy trì.

Sáu tháng đầu năm 2021, các chỉ tiêu thực hiện đều vượt, như: doanh thu các doanh nghiệp trong các KCN đạt 16,8 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 51% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 11,2 tỷ USD, tăng 15,25% so với cùng kỳ và đạt 50,81% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 10,6 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ và đạt 58,8% kế hoạch năm; thuế và các khoản nộp ngân sách gần 229 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Trước tình hình dịch bệnh, việc giao thương với nhiều nước vẫn khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp trong các KCN Bình Dương đã vận dụng cách làm sáng tạo, thông qua hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm trực tuyến đã nhận được các đơn hàng lớn, bảo đảm cho sản xuất và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng đến quý III năm 2021, một số doanh nghiệp có đơn đặt hàng cho cả năm 2021 và năm 2022.

Về tình hình dịch bệnh, theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, đến nay đã có 43 doanh nghiệp tại 25/27 KCN (trừ KCN Tân Bình và Bàu Bàng mở rộng) xảy ra dịch Covid-19 với 369 trường hợp F0. Các ngành chức năng đã truy vết được 4.403 trường hợp F1, 9.116 trường hợp F2.

Triển khai công tác phòng, chống COVID-19, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản, tuyên truyền phòng, chống dịch; đề nghị doanh nghiệp báo cáo kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Quyết định số 2194 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, đăng ký ở lại nơi làm việc, khai báo điện tử bằng QR-Code, thành lập Tổ An toàn COVID-19 tại các doanh nghiệp…

Ban Quản lý còn triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định số 2787 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN”; các quy định của Bộ Y tế về xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người lao động và các đối tượng có nguy cơ cao…

Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết, qua yêu cầu và hướng dẫn, đã có 1.877/2.045 doanh nghiệp đi vào hoạt động có báo cáo tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, có 1.366 doanh nghiệp tự đánh giá rất ít nguy cơ, 433 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp, 71 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm trung bình, ba doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao và bốn doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Cũng theo Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Dương, các doanh nghiệp trong KCN đã thành lập 5.013 Tổ An toàn COVID-19 tại doanh nghiệp; có 1.362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự bảo đảm sản xuất trong điều kiện có dịch. Để bảo đảm sản xuất an toàn trước dịch COVID-19, 46 doanh nghiệp có văn bản đề nghị cho người lao động ở lại nhà máy vừa lưu trú, vừa sản xuất với tổng số lao động đăng ký gần 10.000 người. Ban Quản lý các KCN tỉnh đang phối hợp Sở Y tế ban hành các điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh COVID-19 khi cho công nhân ở lại nhà máy để doanh nghiệp thực hiện.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan, các doanh nghiệp trong các KCN tại Bình Dương đã đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân; một số doanh nghiệp kiến nghị ngành y tế cần đẩy nhanh việc test nhanh COVID-19 cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị phong tỏa sớm được hoạt động trở lại an toàn.

Để thực hiện tốt “ba tại chỗ” với ăn, ở, sản xuất tại nhà máy, doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh bố trí xe hàng hóa lưu động cung cấp nhu yếu phẩm cho người lao động tại doanh nghiệp; thành lập tổ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, xuất khẩu.

Làm việc với chủ đầu tư các KCN tại Bình Dương vào ngày 13/7 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phòng, chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị các ngành chức năng quyết liệt vào cuộc, tận dụng “thời gian vàng” trong khoảng 15 ngày còn lại để dập dịch và phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trong đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh kiện toàn kế hoạch về phòng chống dịch bệnh trong KCN theo hướng phát huy vai trò của các tổ phòng chống dịch các cấp một cách thực chất, hiệu quả, trên cơ sở có sự phối hợp cao độ giữa các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm