Gần 47.000 hộ dân vùng khó khăn ở Bình Định được tiếp cận nguồn tiền hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời gian 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn (theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ), tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. 

Qua đó, tập thể Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định đã vinh dự nhận được cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều bằng khen khác đến từ các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh.

Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định từ năm 2002 đến nay cho biết, mặc dù có một số thời điểm gặp khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tập trung được nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp gần 726.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên 159/159 xã, phường, thị trấn được tiếp cận nguồn vay. Nhờ đó, hơn 116.000 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo; gần 81.000 lao động được tạo điều kiện làm việc; và hơn 107.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định giải ngân cho hộ nghèo vay vốn nhưng vẫn đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Chí Tâm

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định giải ngân cho hộ nghèo vay vốn nhưng vẫn đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Chí Tâm

Bên cạnh đó, địa phương cũng xây dựng gần 202.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 47 .000 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 808 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP. Tổng nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội đạt 5.297 tỷ đồng, tăng 5.192 tỷ đồng so với năm 2002, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25%.

Ngoài ra, trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, tỉnh Bình Định cũng đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó mô hình tổ chức quản trị của NHCSXH mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của nước ta, đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hoá hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Mặt khác, việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác cũng được UBND tỉnh Bình Định quan tâm chỉ đạo kịp thời. Đặc biệt, Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao năm 2003, đến nay toàn tỉnh đã và đang triển khai cho vay hơn 17 chương trình tín dụng chính sách.

Doanh số cho vay từ đầu năm 2003 đến nay đạt 16.097 tỷ đồng, với gần 726.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 10.881 tỷ đồng.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định giải ngân cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh Viết Hiền

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định giải ngân cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh Viết Hiền

Được biết, theo định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bình Định, tất cả các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện trên địa bàn sẽ được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp với tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách bình quân hàng năm khoảng từ 8 - 10% và tỷ lệ giải ngân, thu lãi, thu nợ tại Điểm giao dịch xã đạt trên 95%. Tích cực thu nợ đến hạn tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt trên 95% cũng như trên 95% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt.

Thời gian tới, tỉnh Bình Định cũng sẽ tiếp tục bám sát Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sự chỉ đạo của Trung ương và các Chương trình, Kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đọc thêm