Gần 5 tỷ bồi thường, chưa thể cứu Dương Chí Dũng khỏi tội chết

(PLO) - Ngay sau khi Báo Pháp luật Việt Nam thông tin Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã bồi thường, khắc phục một phần hậu quả trước phiên xử phúc thẩm, nhiều luật sư đã có quan điểm về tình tiết pháp lý mới phát sinh này. Bồi thường khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ nhưng liệu có là yếu tố quyết định giúp các bị cáo này thoát án tử hay không?
Cho đến nay, chưa biết số tiền mà gia đình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc nộp để  khắc phục hậu quả cho tội “Tham ô tài sản” hay “Cố ý làm trái” nhưng nhiều luật sư suy đoán đây là khoản tiền khắc phục hậu quả cho tội “Tham ô”, tội danh mà các bị cáo này đang bị kết án tử hình. 
Mặc dù chưa có thông tin các bị cáo rút kháng cáo kêu oan nhưng bằng việc gia đình họ khắc phục hậu quả thì họ vẫn được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới. Về phía gia đình các bị cáo đã từng tuyên bố bằng mọi giá phải cứu Dũng dù có phải bán hết nhà cửa, vay mượn bạn bè. Tuy nhiên, xem ra hy vọng được xét giảm án tử hình xuống còn chung thân đối với các bị cáo vẫn còn khá mong manh…
Không phải cứ bồi thường là được giảm án?
Về nguyên tắc khắc phục hậu quả bằng tiền trong Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam, Thạc sỹ luật Phạm Tuấn Anh, nguyên Chánh tòa Kinh tế TAND TP.Hà Nội giải thích: 
“Trong BLHS có quy định nếu bị cáo nhận thấy tội lỗi của mình và khắc phục hậu quả xảy ra thì đó được coi là một trong những tình tiết để Hội đồng xét xử (HĐXX) có thể xem xét giảm nhẹ cho bị cáo, tất nhiên, còn kèm theo nhiều tình tiết khác nữa. 
Để cụ thể hóa tinh thần điều luật này, Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn cụ thể một số tội, trong đó có tội “Tham ô” mà bị cáo Dương Chí Dũng đang bị kết án. 
Như vậy, phải hiểu đây không phải là một văn bản được ban hành để “cứu” một nhóm người nào đó mà đây là nguyên tắc nhất quán trong luật Hình sự đã được quy định từ lâu”.
Khác với một số nước, có thể dùng tiền bảo lãnh, ký cược để không phải ngồi tù, nguyên tắc khắc phục hậu quả bằng tiền trong BLHS nước ta thể hiện tính nhân văn của luật, có ý nghĩa thể hiện thái độ ăn năn, hối cải của người phạm tội, trách nhiệm của bị cáo đối với hành vi phạm tội của mình. 
Nhưng Thạc sỹ Phạm Tuấn Anh cho rằng điều đó không có nghĩa là cứ gây tội xong, nộp tiền là được giảm nhẹ hình phạt. “Nguyên tắc của luật Hình sự Việt Nam không có chuyện cứ có tiền khắc phục là sẽ được Tòa giảm nhẹ hình phạt như nhiều người vẫn lầm tưởng bấy lâu. 
Chúng ta phải hiểu tội đến đâu tòa xử đến đó. Nộp tiền chỉ là một tình tiết giảm nhẹ để HĐXX xem xét khi lượng hình, có thể để lượng hình còn phải có các tình tiết khác nữa như khai báo thành khẩn, khai đúng bản chất, có căn cứ... 
Ngoài ra, dù có  nộp tiền khắc phục mà tội trạng của bị cáo rơi vào tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì cũng khó giảm án. Nói chung, có được giảm án hay không là do HĐXX quyết định tại phiên tòa”. 
Lấy ví dụ cho điều này, nguyên Chánh tòa Kinh tế dẫn chứng, thực tế có rất nhiều bị cáo thực hiện hành vi giết người, sau đó dù đã tích cực bồi thường khắc phục hậu quả, gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt nhưng vẫn bị tuyên tử hình vì hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, không còn khả năng cải tạo được. 
Quay trở lại câu chuyện nộp tiền khắc phục hậu quả của Dương Chí Dũng, ông Phạm Tuấn Anh bình luận: “Giả sử bị cáo có nhận tội “Tham ô” và khắc phục bằng tiền thì tội trạng của Dương Chí Dũng là tội nghiêm trọng, tham ô số tiền lớn, khó có thể được xem xét giảm án”.
Sẽ “bung” tình tiết mới?
Tuy nhiên, nhiều Luật sư lại có quan điểm khác khi nhìn nhận dưới góc độ có lợi cho bị cáo. Căn cứ vào đặc trưng của tội “Tham ô”, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng bị cáo Dương Chí Dũng hoàn toàn có cơ hội được giảm án nếu khắc phục tiền và nhận tội tham ô tại phiên tòa tới. 
Bởi vì, với riêng tội tham ô, khắc phục hậu quả phải được coi là tình tiết cực kỳ quan trọng để lượng hình, do khách thể bị xâm phạm của tội này là tài sản nhà nước, nhưng khi đã thu hồi được tiền rồi tức là đã không còn thiệt hại. Cũng vì khách thể bị xâm hại là tài sản Nhà nước nên không thể so sánh tội “Giết người” với tội “Tham ô” của bị cáo Dương Chí Dũng dưới góc độ khắc phục hậu quả. 
Tội giết người khách thể bị xâm hại là tính mạng của con người - vốn quý nhất nên khắc phục hậu quả bằng tiền không có nhiều ý nghĩa bằng khắc phục tiền trong tội “Tham ô”.
“Điều quan trọng nhất của các vụ án tham ô, tham nhũng là chúng ta đưa được vụ án ra ánh sáng , đó là điều kiện cần, còn thu hồi được tài sản thất thoát là điều kiện đủ. Ngoài ra, còn nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung với xã hội. 
Như vậy, mục đích đấu tranh chống tham nhũng trong vụ án này đã đạt được nên HĐXX cần cân nhắc có nên tử hình hay không? Chưa kể, nhân thân Dương Chí Dũng có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhiều cống hiến, đóng góp trong công tác” - Luật sư Tú phân tích. 
Ngoài ra, với Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn mức giảm án khi bị cáo khắc phục hậu quả tội“Tham ô” cũng được coi là “cứu cánh” cho bị cáo Dũng trong phiên phúc thẩm tới. 
“Dù Nghị quyết chỉ là văn bản hướng dẫn luật nhưng nó có hàm lượng luật ở trong đó, có giá trị áp dụng bắt buộc chung. Tôi nghĩ nếu bị cáo Dũng khắc phục hậu quả thì cần áp dụng Nghị quyết này để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo” - một luật sư khác nhận định.
Bên cạnh những đoán định về mức án nói trên, nhiều người còn đoán Luật sư của bị cáo Dũng sẽ “bung” ra những chứng cứ được “găm” lại cho phiên phúc thẩm tới để tạo tình tiết mới gỡ tội cho thân chủ của mình./.

Đọc thêm