“Tác giả” kịch bản cuộc tẩu thoát của Dương Chí Dũng hầu tòa

(PLO) - Dự kiến từ hôm nay (7/1/2014), TAND TP.Hà Nội sẽ tiến hành xét xử 7 bị cáo trong vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) trốn đi nước ngoài. 
Dương Tự Trọng khi còn là Phó Giám đốc CA Hải Phòng.
Dương Tự Trọng khi còn là Phó Giám đốc CA Hải Phòng.
Kịch bản không hoàn hảo
Vụ án xảy ra vào tháng 5/2012, khi mà vụ “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Vinalines bắt đầu bị phanh phui và cơ quan điều tra (CQĐT) đang tiến hành điều tra, mở rộng vụ án (hiện, vụ án đã được xét xử sơ thẩm với 2 án tử hình, trong đó có Dương Chí Dũng).
Chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng (lúc đó đang là Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) biết được thông tin mình sẽ bị CQĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam nên đã thông báo với em trai là Dương Tự Trọng (lúc đó là Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng). 
Sau khi hướng dẫn anh trai đến trốn tại nhà bạn gái mình ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Dương Tự Trọng đã bàn bạc với một số cấp dưới và bạn bè rồi cùng nhau đi từ Hải Phòng lên Hà Nội, tìm cách đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. 
Vũ Tiến Sơn (Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an (CA) Hải Phòng) được Trọng tin tưởng giao trách nhiệm đứng ra liên lạc, phân công công việc cho các đối tượng. Trưa 19/5/2012, Sơn cùng Đồng Xuân Phong (đang bị truy nã trong vụ án khác) và Trần Văn Dũng “Bắc Kạn” (đối tượng giang hồ tại Hải Phòng) đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia theo đường tiểu ngạch qua khu vực biên giới cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.
Thực hiện kế hoạch này, Dương Tự Trọng giao Hoàng Văn Thắng và Nguyễn Trọng Ánh (đều là cán bộ CA Hải Phòng) dùng ô tô đón Dương Chí Dũng đi từ Quảng Ninh vào TP.Hồ Chí Minh, xuất phát ngày 21/5/2012. Trước đó, Dũng đã được em trai giao cho Phạm Minh Tuấn (nguyên là Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng) cùng Hoàng Văn Thắng đưa từ Hà Nội xuống Quảng Ninh để “tạm lánh”.
Dương Chí Dũng đã trốn chạy đến Mỹ?
Trong khi đó, vào ngày 20/5/2012, Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn đã đi máy bay trước vào TP.Hồ Chí Minh dưới danh nghĩa “đi công tác” rồi tiến hành chuẩn bị xe ô tô, tiền bạc để đón Dương Chí Dũng.
Đi “tiền trạm” vào TP.Hồ Chí Minh còn có Đồng Xuân Phong và Dũng “Bắc Kạn”. Chiều 23/5/2012, hai đối tượng này đã lái xe đến địa phận huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) đón Dũng, Thắng và Ánh (đi từ Quảng Ninh vào) rồi cả 5 đi tiếp về cửa khẩu Mộc Bài. 
Tối cùng ngày, sau khi thuê xe ôm chở Dũng trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, Phong đã sử dụng hộ chiếu mang tên giả, cùng Dũng “Bắc Kạn” xuất cảnh qua cửa khẩu. Cả 3 đã gặp nhau bên đất Campuchia rồi đi ô tô đến thủ đô Phnôm Pênh.
Trưa 24/5/2012, Phong mua vé máy bay cùng Dương Chí Dũng sang Singapore để Dũng làm thủ tục đi Mỹ. Nhưng do không được phép nhập cảnh vào Mỹ nên Dũng bị buộc phải quay lại Campuchia. Lẩn trốn ở đây đến ngày 4/9/2012 thì Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ.
Nhiều thủ đoạt “cắt đuôi” tinh vi
Tại bản cáo trạng, VKSNDTC cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức do Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng…
Trong quá trình tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn chạy, các bị cáo đều sử dụng sim “rác” đã lưu sẵn số của nhau để liên lạc và thống nhất dùng “bí danh” để giữ bí mật. Dương Chí Dũng được gọi là “Đồng”, Phong được gọi là “Gió” và Dũng được gọi là “Cạn”. 
Để tránh bị theo dõi, Thắng và Ánh (người trực tiếp đưa Dương Chí Dũng vào TP.Hồ Chí Minh bằng đường bộ) cũng được yêu cầu để điện thoại chính ở nhà và chỉ sử dụng sim “rác”. Ngoài ra, Dương Tự Trọng mượn 1 xe ô tô biển kiểm soát (BKS) TP.Hồ Chí Minh để thay xe mang BKS Hải Phòng khi chở anh trai. Người được giao trách nhiệm lái xe đi đổi, mang tiền cho Dương Chí Dũng cũng sử dụng sim rác.
Đặc biệt, quá trình tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn chạy có nhiều việc, nhiều công đoạn như: tìm phương tiện, đưa đón đến các địa điểm khác nhau, cung cấp tiền…, nhưng mỗi đối tượng chỉ được giao thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu, gây cản trở, khó khăn cho công tác điều tra vụ tham nhũng tại Vinalnies, tạo dư luận không tốt, gây mất lòng tin trong nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Chính vì vậy, trong số 7 bị cáo trong vụ án này (gồm Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh và Phạm Minh Tuấn) thì có Trọng và Sơn bị truy tố ở Khoản 3 Điều 275 BLHS (tức gây hậu quả nghiêm trọng, có mức hình phạt từ 12 đến 20 năm). Năm bị cáo còn lại bị truy tố ở Khoản 1 Điều 275 BLHS.

Đọc thêm