Gần 50% số vụ TNGT do người lái xe sử dụng rượu, bia

(PLO) - Theo báo cáo của Bộ Công an, có tới 43% vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra do lái xe sử dụng rượu, bia, không làm chủ được tốc độ, hành vi... Để hạn chế tình trạng này, nhiều người cho rằng cần phải nâng chế tài xử phạt có như thế mới hạn chế được tình trạng người lái xe sử dụng rượu, bia…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đang đi bộ trên đường Láng Hạ (Hà Nội), chị Minh Lý giật mình bởi tiếng xe đổ. Chưa kịp định thần, chị thấy một thanh niên văng lên phía trước chị, ngất lịm. “Hóa ra người thanh niên đó uống rượu say, buồn ngủ quá nên ngủ luôn, bỏ mặc tính mạng theo sự sắp xếp của “thần chết”. Nghe các bác sỹ cấp cứu nói người đó rất nguy kịch, có lẽ không qua khỏi”, chị Minh Lý tâm sự. 
Ngày 24/6, tại địa điểm trên đầu cầu Thăng Long – Hà Nội cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa 3 xe ôtô. Vụ tai nạn này đã khiến 1 bé gái tử vong tại chỗ, 6 người khác bị thương nặng… Nguyên nhân của vụ tai nạn bắt nguồn từ việc xe ôtô hiệu Innova 7 chỗ di chuyển theo hướng đường Phạm Văn Đồng lên cầu Thăng Long với tốc độ rất nhanh, đến đoạn cua đã bất ngờ lấn sang luồng đường của xe ngược chiều. Được biết người điều khiển chiếc xe ô tô Innova trên là Nguyễn Bá Việt. Việt được xác định có biểu hiện sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông.
Đắng lòng hơn cả là vụ tai nạn thương tâm làm chết 3 người trong một gia đình tại TP Hồ Chí Minh. Do có hơi men, không làm chủ được tốc độ, hành vi, lái xe Nguyễn Vũ Thông đã lao qua dải phân cách và tông trực diện vào ôtô bốn chỗ do chị Trần Thị Bích Liên (tạm trú quận Bình Thạnh) cầm lái chạy hướng ngược lại. Vừa lúc này xe ôtô do anh Đặng Lê Minh điều khiển chạy phía sau không xử lý kịp nên tông vào xe chị Liên. Hậu quả, chị Trần Thị Bích Liên, ông Trần Văn Phần (75 tuổi, bố chị Liên), cháu Nguyễn Chí Trung (con chị Liên) đã tử vong. Cháu Nguyễn Chí Hiếu (con chị Liên) bị thương nặng được đưa đi cấp cứu.
Đây chỉ là một trong số rất hàng trăm nghìn vụ tai nạn thương giao thông thảm khốc xảy ra do lái xe sử dụng bia, rượu. Tình trạng này không những bị hạn chế mà ngày càng gia tăng. Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo: “đã sử dụng rượu, bia thì không nên lái xe”, thậm chí còn đề ra chế tài xử lý các lái xe vi phạm nhưng dường như người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn thờ ơ.
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội trong số 20.000 ca cấp cứu mỗi năm vì tai nạn giao thông, có đến gần 50% bệnh nhân sử dụng bia, rượu. Cụ thể, xét nghiệm trên 3.239 trường hợp bị tai nạn giao thông gần đây, có 1.375 bệnh nhân (chiếm 42,4%) có nồng độ cồn trong máu. 
Trước thực trạng này, nhiều người cho rằng cần phải thay đổi chế tài xử phạt hành vi lái xe uống rượu bia còn thấp. Vì thấp nên mới xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia say, không làm chủ được hành vi. Theo đó, cần tăng mức phạt tiền gấp nhiều lần đối với những trường hợp vi phạm. Đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép lái; tạm giữ phương tiện.../.

Đọc thêm