Vi phạm dẫn đến chết người, xử tội cản trở giao thông
Năm 2005, Công an Quận 1, TP.HCM đã khởi tố Ngô Thị Mỹ Yên về tội cản trở giao thông đường bộ. Trong lúc băng qua đường trên cầu Ông Lãnh, Yên đã va chạm với xe máy do anh Phạm Văn Vân điều khiển. Yên chỉ bị sây sát nhẹ nhưng anh Vân bị ngã xuống mặt đường, chấn thương sọ não và chết trên đường đi cấp cứu.
Sau khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát giao thông khẳng định Yên đã qua đường không đúng nơi quy định. Ngô Thị Mỹ Yên bị tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ và phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 7,5 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên trên cả nước, một người đi bộ bị xét xử do vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông.
Tiếp đến, năm 2009 TAND huyện Mỹ Hào, Hưng Yên đã xét xử một vụ án được coi là hy hữu do người đi bộ gây tai nạn giao thông. Bị cáo là Nguyễn Thị Dương (SN 1990, sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên) bị tuyên phạt 9 tháng tù giam, thời gian thử thách là 18 tháng về hành vi cản trở giao thông đường bộ. Nữ sinh này đã trèo qua hàng rào phân cách để sang đường khiến một người điều khiển xe máy không kịp xử lí đâm vào lề đường, tử vong.
Còn mới đây, vào cuối tháng 10/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều (Cần Thơ) đã chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thị Kim Tuyến (SN 1982, ngụ quận Cái Răng) về tội cản trở giao thông đường bộ.
Theo đó, đêm 12/7/2013, anh Nguyễn Quốc Việt (ngụ huyện Phong Điền) điều khiển mô tô trên đường 3 Tháng 2, phường An Bình cũng là lúc Tuyến đi bộ qua đường. Do anh Việt điều khiển xe tốc độ nhanh và có uống rượu bia nên không tránh kịp, đụng vào người Tuyến, cả hai cùng ngã xuống đường. Một ngày sau, anh Việt chết do chấn thương sọ não.
Theo cơ quan điều tra, lỗi chính là do Tuyến đi bộ qua đường không đúng nơi quy định; đi bộ vượt qua dải phân cách, không quan sát các xe đi tới; cản trở, gây tai nạn giao thông làm chết người.
Trên đây là những vụ tai nạn hy hữu do hành vi vi phạm của người đi bộ dẫn đến hậu quả chết người. Thực tế còn rất nhiều vụ vi phạm do người đi bộ gây ra làm cho người tham gia giao thông khác bị thương hoặc thiệt hại về tài sản…nhưng việc xử lý chủ yếu dừng ở mức phạt hành chính. Rất nhiều vụ vì sang đường không đúng nơi quy định, thiếu quan sát, đi bộ dưới lòng đường… khiến người đi bộ thiệt mạng, tuy nhiên những vi phạm này xem ra vẫn chưa được coi là bài học đắt giá.
Cần xử lý bình đẳng
Theo Điều 202 Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì việc xử lý chỉ đặt ra đối với hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà chưa quy định xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ do người đi bộ tham gia giao thông gây ra, dẫn đến không thể xử lý được với người đi bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Nếu có xử lý thì cũng chỉ xử lý về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 BLHS. Tuy nhiên, việc xử lý về tội này, theo Tổ biên tập Dự thảo sửa đổi BLHS 2009 là “chưa hợp lý”.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu - Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Châu và cộng sự - phân tích: Người đi bộ nếu không đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ cũng là nguồn nguy hiểm cao độ, dễ gây tai nạn. Vì vậy, nếu có hành vi trái luật, người đi bộ cũng cần bị xử lý bình đẳng như người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trái luật. Bà Châu gợi ý có thể bổ sung và quy định cụ thể hơn hành vi lưu thông trái luật, gây hậu quả nghiêm trọng của người đi bộ vào Điều 203 BLHS.
Tuy nhiên, có luồng ý kiến khác lại cho rằng, từ những bất cập trong quy định tại Điều 202 hiện nay (không thể xử lý người đi bộ gây tai nạn theo điều luật này) thì cần bổ sung vào Điều 202 quy định xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ do người đi bộ tham gia giao thông thực hiện mà không chỉ là “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” như hiện nay.