Theo đó, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và các dịch vụ hậu cần cảng, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy trọng tải đến 50.000 DWT ra vào làm hàng. Với quy mô dự án hơn 13 héc ta, trong đó diện tích bến bãi hơn 10 héc ta và gần 3 ha khu nước trước bến, chiều dài bến số 3 là 270 m, tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án từ Quý IV năm 2015 đến năm 2018 hoàn thành dự án.
Cảng Chân Mây hiện có Bến số 1 với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 50.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn; Bến chuyên dùng cho tàu có trọng tải 20.000DWT để xếp dỡ các cấu kiện siêu trường, siêu trọng với năng suất cao, có thể đạt 10.000 T/24 giờ.
Những năm gần đây, lượng hàng và khách du lịch thông qua cảng Chân Mây ngày càng tăng lên, đã vượt quá công suất thiết kế của bến số 1 (vượt 70% công suất thiết kế; năm 2014, đón 227 lượt tàu cập cảng, lượng hàng thông qua cảng đạt 1,7 triệu tấn, lượng hành khách qua cảng đạt 44.459 lượt khách), các tàu hàng và tàu khách du lịch thường xuyên phải chờ nhiều ngày để được cập bến. Dự báo đến năm 2020, lượng hàng qua cảng Chân Mây sẽ đạt 7,4 triệu tấn/năm.
Do đó, việc đầu tư xây dựng thêm cầu cảng thuộc khu bến Chân Mây rất cần thiết và cấp bách. Ngoài giải quyết nhu cầu lưu thông hàng hóa và hành khách qua cảng, còn góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói riêng và miền Trung nói chung. Ngày 16/5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp GCN đầu tư cho Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đầu tư bến số 3 Cảng Chân Mây.