Lệ Chi Viên: Ngày ấy - bây giờ

(PLO) - Trong thời khắc thiêng liêng khi tấm bình phong “Đại Cáo Bình Ngô” bằng đá hoa cương được dựng lên giữa Lệ Chi Viên, cụ Hoàng Đạo Chúc chăm chú nhìn, đôi mắt sáng hơn khi lần theo từng dòng chữ khắc cốt ghi tâm của Nguyễn Trãi năm xưa.
Du khách chiêm ngưỡng bức bình phong Đại cáo Bình Ngô
Du khách chiêm ngưỡng bức bình phong Đại cáo Bình Ngô
Dù đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhà giáo Hoàng Đạo Chúc vẫn gắng bước đi khắp nẻo đường tìm cách xây dựng lại di tích lịch sử Lệ Chi Viên. 
Vườn vải ngày ấy…
Dù đã gần 600 năm trôi qua nhưng khi nhắc đến ba từ “Lệ Chi Viên” hầu như người dân Việt nào cũng nhớ đến thảm án vườn vải khiến gia tộc của vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ bị tru di.
Ngược dòng thời gian về lại với Lệ Chi Viên của thế kỷ XIV. Lệ Chi Viên là một địa danh nằm gần trung tâm vùng đất Kinh Bắc dày đặc trầm tích văn hóa - lịch sử lâu đời vào bậc nhất của nước ta. Trước đây, Vua Lý Công Uẩn chọn Đại Lai thuộc huyện Gia Định, lộ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) để xây dựng Hành cung,  đến đời nhà Lê đổi tên là cung Yên Hà.
Vua Lê Thái Tông trọng dụng đại thần Nguyễn Trãi, giao cho ông cai quản vùng Đông Bắc và cung Yên Hà. Khi sinh sống ở đây, Nguyễn Trãi đã trồng rất nhiều vải.
Cuối tháng 7 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1442), Vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương ghé qua nơi ở của Nguyễn Trãi rồi đến Lệ Chi Viên, Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi) vì có tài văn chương nên luôn được Vua Lê Thái Tông cho theo hầu. Tại Lệ Chi Viên, Vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà ở tuổi 20. 
Bị đặt điều, xàm tấu, nhà Lê vu cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tội giết vua, còn Nguyễn Trãi là chủ mưu nên áp dụng hình phạt tru di ba họ Nguyễn - Nhị - Khê, gây ra vụ án oan kinh động nước Đại Việt ngày ấy! Vì thế, người đời sau không muốn nhắc đến cung Yên Hà mà chỉ gọi là Lệ Chi Viên (Vườn Vải) và lịch sử cũng gọi vụ án oan này là “vụ án Lệ Chi Viên”. 
Đại cáo Bình Ngô khắc trên đá hoa cương.
Đại cáo Bình Ngô khắc trên đá hoa cương. 
Năm 1464, khi Vua Lê Thánh Tông lên ngôi đã xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Ngay sau đó, nhân dân ta đã lập đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ tại Lệ Chi Viên.
Như vậy, lịch sử đã minh oan cho cái chết tức tưởi của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Thế nhưng, dấu tích ngày ấy dần bị xóa nhòa bởi những biến cố lịch sử với những cuộc chiến tranh kéo dài, sự tàn phá của thời gian, Lệ Chi Viên xuống cấp, di tích hầu như đã không còn gì nữa. Vào thời điểm năm 2008, Lệ Chi Viên chỉ còn lại một miếu thờ nhỏ đổ nát và mấy cây cổ thụ quanh miếu…
Nặng lòng với danh nhân
May thay, lịch sử đã minh oan cho những danh thần và hôm nay, những con người đương đại đang cố gắng gìn giữ di tích, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống nhớ về cội nguồn. 
Trong đó, phải kể đến nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, ông là người đã dành trọn đời mình sưu tầm tư liệu, tìm kiếm lại những dấu tích của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, lập nên “Hội những người kính yêu cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”, cùng chung tay tu bổ lại các khu di tích, đặc biệt là Lệ Chi Viên.
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (SN 1934) là hậu duệ của nhà văn hóa, nhà cách mạng lỗi lạc Hoàng Đạo Thúy. Mặc dù trong người mang nhiều trọng bệnh nhưng khi nói về các danh nhân văn hóa, đặc biệt về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, ánh mắt của ông như ngời lên ngọn lửa của tình yêu cuộc sống, ngọn lửa của lòng kính yêu và biết ơn với những người anh hùng dân tộc đã không tiếc máu xương vì non sông đất nước.
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc bên tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc bên tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ 
Ông kể: “Tôi vốn là một giáo viên, có chuyên môn về sử, từ ngày nhỏ đọc qua sử sách các triều đại, tôi bị ám ảnh với vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1959 khi tôi lên Tây Bắc để dạy học, những buổi đưa học sinh đi ngoại khóa, mỗi khi kể lại thảm án Lệ Chi Viên, tim tôi  lại cảm thấy nhói đau, trăn trở trước nghi án làm đen tối cả lịch sử Việt Nam. Tôi cứ ấp ủ một khát khao phải làm sao huy động mọi lực lượng trong xã hội nghiên cứu, trả lại chân giá trị cho người anh hùng dân tộc”.
Năm 1980, khi UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hóa thế giới, cụ Chúc càng có thêm động lực để đi từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng cho đến miền núi, cả Côn Đảo xa xôi. Hễ ở đâu có dấu tích của Cụ Nguyễn Trãi, cụ Lộ, nơi đó cụ Chúc xuất hiện.
Cho đến nay, cái tâm của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã truyền đến biết bao người, để rồi bằng công đức của những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, ba ngôi đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã được dựng lên ở Tân Lễ - Thái Bình, Khuyến Lương - Hà Nội, đặc biệt là Lệ Chi Viên - Bắc Ninh.
Lệ Chi Viên của hôm nay
Về thăm lại Lệ Chi Viên hôm nay, nhìn những đền đài, ao sen, bia đá…, chúng tôi không khỏi kính phục trước tấm lòng trọng nghĩa, vì đạo, vì đời của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc. 
Trải qua bao năm xây dựng, trùng tu, Lệ Chi Viên hôm nay uy nghi hơn bao giờ hết. Từ tượng thờ, tượng đài Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ cho đến  giọt lệ chi viên, cột cờ… tất cả đều đủ đầy. Thế nhưng với cụ Chúc, việc phục dựng lại Lệ Chi Viên mà thiếu đi cái hồn cốt của Nguyễn Trãi để lại cho đời, cho lịch sử dân tộc là tác phẩm kinh điển “Bình Ngô Đại Cáo” thì không thể nào trọn vẹn với “anh linh” với những chân giá trị của dân tộc.
 
Cụ Chúc chia sẻ: “Nói về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi không chỉ là những khúc ca sầu muộn, bi thương nơi Lệ Chi Viên mà còn phải nhắc đến việc phò tá Vua Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Đại Việt ngày ấy hùng mạnh. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi là cả một kho tàng khổng lồ, nhưng kinh điển nhất vẫn là Bình Ngô Đại Cáo. Đây là một áng thiên cổ hùng văn, được xem như là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc. Không những vậy, Bình Ngô Đại Cáo còn thắm đượm tư tưởng nhân nghĩa, là cội nguồn sức mạnh của cuộc kháng chiến…
Hơn hết, Bình Ngô Đại Cáo còn thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Ngay những câu thơ đầu: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân /Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” đã toát lên tinh thần vì dân, là chính nghĩa của nhân dân, mang bản sắc dân tộc. Nhân nghĩa ở đây không những để an dân mà còn trừ bạo ngược để cứu nước, cứu dân. Nhân nghĩa trong Bình Ngô Đại Cáo gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia, tinh thần độc lập dân tộc. Phải nói rằng Bình Ngô Đại Cáo là niềm tự hào dân tộc, là truyền thống yêu chính trực, ghét gian tà, căm thù sâu sắc bọn giặc cướp nước, bán nước”, cụ Chúc lý giải.
Khi bức bình phong “Đại Cáo Bình Ngô” bằng đá hoa cương nặng hàng chục tấn được vận chuyển từ xứ Thanh về với Lệ Chi Viên, cụ Chúc mừng khôn xiết. Cụ tâm sự: “Bao năm trăn trở mới tìm được người tạc nên tấm bình phong cho Lệ Chi Viên. Ba năm qua tôi đếm từng ngày, từng giờ đợi Chiếu Đại Cáo Bình Ngô về… Hôm nay, Chiếu đã về thật! Lòng tôi nhẹ nhõm đi bao nhiêu…”.
Trong đền thờ, giữa không gian linh thiêng, cụ Chúc cùng bạn bè và chính quyền địa phương… thành kính thắp nén hương trầm tưởng nhớ bậc vĩ nhân của dân tộc. Lời khấn như lời gọi mời người anh hùng của muôn năm trước “trở về” cùng chứng kiến áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại Cáo được tạc trên tấm bình phong bằng đá to lớn, uy nghi giữa lòng Lệ Chi Viên.
Với tấm lòng thành kính danh nhân của dân tộc, cụ Chúc đã đưa “Bình Ngô Đại Cáo” khắc trên bia đá. Để rồi, ngàn năm sau từng dòng chữ khắc cốt ghi tâm ấy sẽ là lời nhắc nhở thế hệ hậu sinh không bao giờ được quên lịch sử hào hùng của đất nước.

Đọc thêm