Gắn công tác thi đua, khen thưởng với kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

(PLVN) -Sáng 20/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức Toạ đàm Triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và đánh giá kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2020. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì Toạ đàm.
Toàn cảnh Toạ đàm.
Toàn cảnh Toạ đàm.

Theo Báo cáo tại Tọa đàm, tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tư pháp năm 2020 là 94.02/100 điểm. So sánh tổng quan có thể thấy rằng, năm 2020 là năm thứ năm liên tiếp Bộ Tư pháp tăng giá trị điểm và là năm thứ ba liên tiếp giữ vị trí xếp hạng trong nhóm ba bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục duy trì là lĩnh vực được đánh giá cao nhất của Bộ Tư pháp như các năm trước.

Đặc biệt, trong đánh giá Chỉ số CCHC năm 2020, Bộ Tư pháp cũng đạt tỷ lệ điểm cao hơn cũng như thăng hạng vượt bậc ở nội dung đánh giá thông qua điều tra xã hội học (từ vị trí thứ 10/17 bộ năm 2019 lên vị trí thứ 02/17 bộ năm 2020). Kết quả đó đã phản ánh sự nhìn nhận cũng như ủng hộ tốt hơn của lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo Sở Tư pháp cũng như của các hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý đối với việc thực hiện trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính của Bộ Tư pháp.

Về chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020, 06 Sở: Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp, mỗi sở 02 dịch vụ công. Trong đó, tại Sở Tư pháp thực hiện đo lường đối với 02 dịch vụ công là: Lý lịch tư pháp và Trợ giúp pháp lý nhà nước.Kết quả chung chỉ số hài lòng chung đối với 02 dịch vụ công lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý là 89.58% - xếp thứ 2 trong 06 Sở thuộc diện đo lường (chỉ số hài lòng chung cả nước là 85.48%,năm 2019 chỉ số hài lòng đối với 02 dịch vụ công lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý là 83.99%, xếp thứ 05 trong 06 Sở thuộc diện đo lường).

Phân tích kết quả chỉ số hài lòng về các dịch vụ công lĩnh vực tư pháp thuộc diện đo lường năm 2020 có thể thấy rằng, Chỉ số hài lòng chung đã đạt yêu cầu theo Nghị quyết số 30C/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 là: “bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020”, trong đó, các chỉ số về tiếp cận dịch vụ công, thủ tục hành chính, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, kết quả dịch vụ công đều đạt mức trên 80% theo yêu cầu của Chính phủ. Kết quả nói trên đã thể hiện nỗ lực của cơ quan tư pháp tại các địa phương trên phạm vi cả nước để hướng đến đảm bảo sự hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện các dịch vụ công.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ, Văn phòng Bộ đề nghị Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ một số nội dung như: Các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của Bộ; Trên cơ sở kết quả Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2020, đề nghị Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát, rút kinh nghiệm để qua đó, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những nội dung CCHC còn bị trừ điểm; Thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác tư pháp địa phương; Kịp thời tổng hợp, xử lý các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chỉ đạo tại Toạ đàm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chỉ đạo tại Toạ đàm.

Về kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, các Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực… trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nghiên cứu sâu hơn về kết quả đo lường để có tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ trong từng lĩnh vực.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh Bộ Tư pháp là một trong 03 đơn vị khi kết thúc 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%. Bộ Tư pháp cũng có trách nhiệm hết sức nặng nề trong việc thực hiện trọng tâm CCHC giai đoạn 2021 – 2030 mà Chính phủ đã xác định, đó là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Do đó, để thực hiện nhiệm vụ này, Thứ trưởng đề nghị cần chủ động tham mưu để đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật, chủ động tuyên truyền về các chính sách ngay từ khâu soạn thảo; tiếp tục xác định CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, hàng năm cần tổng kết đánh giá.

Bên cạnh đó, phải liên tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, 4 và ứng dụng hiệu quả luân chuyển văn bản điện tử, chữ ký số; gắn công tác đánh giá, xếp hạng thi đua, khen thưởng với kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị; coi đây là 2 nhiệm vụ kép có ý nghĩa nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhân dịp này, Bộ Tư pháp đã công bố và trao Quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có đóng góp cho Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp năm 2020.

Đọc thêm