Gần ngàn người có đẩy nhanh tiến độ Metro Cát Linh - Hà Đông?

(PLO) - Khối lượng xây lắp của dự án đã đạt tới 95%, nhưng do chưa giải ngân được khoản vay bổ sung 250 triệu USD nên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vẫn chưa xác định cụ thể ngày “cán đích”.


Bộ trưởng GTVT chỉ đạo Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành trong năm 2018.
Bộ trưởng GTVT chỉ đạo Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành trong năm 2018.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bước sang năm thứ 8 tính từ ngày khởi công. Nêu tính từ thời điểm dự án được Chính phủ 2 nước Việt Nam và Trung Quốc ký hiệp định khung về việc vay vốn, thì đã bước sang năm thứ 10.

Thực tế, sau nhiều lần trượt tiến độ, dự án nói trên đã xác định được khoản vay bổ sung trị giá 250 triệu USD để “cán đích” vào đầu năm 2017. 

“Tuy nhiên, đến nay do còn một số thủ tục nhỏ nên phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc vẫn chưa giải ngân khoản vay này. Việc trên có thể khiến cho tiến độ của dự án có nguy cơ bị ảnh hưởng, dù phần xây lắp đã hoàn thành tới 95%”, ông Phan Quang Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) thông tin với PLVN.

Cũng theo vị đại diện Bộ GTVT, việc chậm vốn không chỉ gây khó khăn trong thanh toán giá trị xây lắp cho nhà thầu (trong đó có thầu phụ phía Việt Nam) mà còn ảnh hưởng đến nguồn thanh toán phần thiết bị đã nhập khẩu phục vụ cho dự án.

“Gần đây, có thời điểm tổng thầu đã huy động tới 700 công nhân có mặt trên công trường, nhưng nội trong tháng 4 này mà không có tiền về thì tiến độ sẽ bị ảnh hưởng, bởi theo tôi biết nhiều nhà thầu Việt Nam tham gia dự án cũng khá khó khăn về vốn liếng”, lời Phó Cục trưởng Hiển. 

Đến nay, đã chế tạo xong 13 đoàn tàu để phục vụ dự án.
Đến nay, đã chế tạo xong 13 đoàn tàu để phục vụ dự án.

Tới đây, nếu mọi việc diễn tiến suôn sẻ, thì khoảng tháng 9/2018, Bộ GTVT sẽ cho chạy thử toàn dự án này trong vòng khoảng 3 - 6 tháng. Sau đó, Tư vấn độc lập của Pháp sẽ đánh giá mức độ an toàn của toàn hệ thống. Tiếp đó, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước sẽ tiến hành các phần việc của mình trước khi dự án được đưa vào vận hành thương mại.

Như PLVN đã thông tin, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ khi khởi công xây dựng đến nay đã trải qua 3 đời Bộ trưởng Bộ GTVT, và từng được dư luận cả nước biết đến là một dự án đầy tai tiếng do chậm tiến độ, vi phạm an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng… dẫn tới phải thay “tướng” ở Ban quản lý dự án đường sắt - đơn vị làm đại diện chủ đầu tư.

Mới đây, sau khi nhậm chức Bộ trưởng GTVT, ông Nguyễn Văn Thể đã chủ trì một số cuộc họp để tháo gỡ khó khăn cho dự án. Cụ thể, trong cuộc họp với các bên liên quan diễn ra hồi cuối năm 2017, ông Thể đã chốt tiến độ: “Dự án này phải hoàn thành trong năm 2018, không thể lùi hơn nữa”.

Hiệp định vay vốn bổ sung 250,6 triệu USD đã được Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) ký kết từ giữa tháng 5/2017. China Eximbank đã nhiều lần yêu cầu bổ sung các nội dung cần sự thống nhất của Bộ Tư pháp trong việc xử lý các thủ tục pháp lý có sự khác biệt giữa hai nước. 

Đến cuối tháng 11/2017, Bộ Tư pháp đã thống nhất, ký văn bản “Ý kiến pháp lý” của hiệp định gửi Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sau đó đã hoàn tất các thủ tục, gửi China Eximbank.

Đọc thêm