Tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm
Chiều 24/7, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2020. Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Báo cáo tóm tắt của Chính phủ trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Ngân sách Trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công đã được sửa đổi, phù hợp hơn với thực tiễn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, với hệ thống pháp luật về quản lý đất đai tiếp tục được hoàn thiện, đã đưa hơn 63.000 ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội. Chuyển dịch gần 76.000 ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị. Thực hiện tinh giảm biên chế gần 24.000 người...
Trong năm 2021, sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp THTK,CLP trên các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK,CLP để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự xã hội, phát triển kinh tế; phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế-xã hội được Quốc hội thông qua (tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 6%, bình quân GDP đầu người khoảng 3.700 USD).
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo THTK,CLP tại các bộ, ngành, địa phương. Đưa kết quả THTK,CLP là tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện có hiệu quả pháp luật về THTK,CLP, gắn với công tác phòng chống tham nhũng.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi
Báo cáo thẩm tra về công tác THTK,CLP năm 2020 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhận định, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác THTK,CLP năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Quang cảnh Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. |
Tuy nhiên, Ủy ban TCNS nhận thấy, công tác THTK,CLP năm 2020 còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn, tình trạng xin lùi, rút dự án khỏi chương trình xây dựng pháp luật vẫn diễn ra, việc phát hiện, xử lý một số văn bản không phù hợp chưa kịp thời; việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn bất cập.
Công tác quy hoạch triển khai rất chậm, nhiều khó khăn vướng mắc trong đầu tư chưa được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời cả đầu tư công, đầu tư PPP, đầu tư tư nhân. Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm; tình trạng nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước đang hoạt động nhưng pháp luật về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính thiếu đồng bộ.
Một số bộ, cơ quan Trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý; việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%. Công tác kiểm kê đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh còn chậm.
Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Hoạt động lừa đảo, tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao còn xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây thiệt hại kinh tế cho người dân...
Cơ bản tán thành với các mục tiêu, giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban TCNS lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp thực tiễn. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà các thành phần kinh tế ngoài nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; siết chặt kỷ cương - kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi.
Rà soát, thống kê diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, đất chưa sử dụng, đất sử dụng không đúng mục đích, các dự án treo,... để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đối với nguồn tài nguyên, đất đai. Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả THTK,CLP; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật THTK,CLP...