Hiệp định EVFTA được đánh giá là cơ hội lớn cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập ngày càng sâu rộng vào các thị trường khó tính. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được khách hàng, đối tác trong thị trường này, ngành hàng nông nghiệp phải vượt không ít thách thức.
Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, EVFTA là một trong những hiệp định có kim ngạch xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuộc loại cao nhất. Trong 4 năm qua, Hiệp định EVFTA đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng nông lâm sản nói riêng khi nhiều dòng thuế xuất khẩu vào thị trường này được xóa bỏ, giúp tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng từ một số quốc gia khác không có FTA với EU. EVFTA có nhiều thuận lợi cho nông sản Việt vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023, đạt trên 4,28 tỷ USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang thị trường EU có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 40% trong tháng 6/2024. Lũy kế nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang EU 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, mặt hàng gạo Lộc Trời với thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã thành công lên kệ chuỗi siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carrefour. Năm 2023, doanh nghiệp xuất khẩu sang EU 20.263 tấn gạo, tăng 26% so với năm 2022, tổng kim ngạch đạt trên 12 triệu USD.
Theo ông Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, EVFTA đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác được những lợi thế cạnh tranh tuyệt đối hoặc là lợi thế cạnh tranh so sánh của nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Thời gian qua, nông sản Việt Nam đã thâm nhập các kênh phân phối hiện đại của EU như cá tra được bán trong các siêu thị, dịch vụ bán buôn và thực phẩm trên khắp EU, nhất là tại Bắc Âu. Cá tra Việt Nam cũng đã được lên kệ tại các nhà bán lẻ EU, gồm: Albert Heijn và Jumbo ở Hà Lan; Tesco ở Anh và REWE ở Đức.
Một số loại trái cây như thanh long, chanh leo, với số lượng còn hạn chế theo mùa vụ, cũng đã được đưa vào các siêu thị như: Colruyt, Carrefour, Grand Frais…
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, lợi thế lớn nhất đối với hàng hóa của Việt Nam trong EVFTA nhất là các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản chính là việc mở cửa thị trường, vì trong nhiều năm qua, EU là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu Việt Nam và cũng là những thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn. Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU đối với thị trường này cũng tăng đều qua các năm mặc dù có chịu tác động từ đại dịch COVID-19.
Căn cứ vào tình hình xuất khẩu hàng hóa nói chung của Việt Nam vào thị trường châu Âu thời gian qua, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU cho hay, cũng như tình hình kinh tế thế giới nói chung, kinh tế châu Âu những năm qua gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu của nhiều nước vào châu lục này đều suy giảm. Nhưng, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt vào EU, và một trong những lý do giúp đạt được kết quả tích cực này là việc EVFTA có hiệu lực. Những số liệu trong cán cân thương mại của EU cũng cho thấy đây là một trong những hiệp định thành công và là một trong những giải pháp để giúp nền kinh tế này vượt qua khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian qua.
Đối với các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, thuế của rất nhiều mặt hàng đã về mức 0% ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực hoặc sẽ giảm dần về 0% trong vòng từ 3-5 năm. Ông Trần Ngọc Quân khẳng định đây là một trong những ưu thế rất lớn đối với hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường EU.
Cùng với thuận lợi mà EVFTA mang lại cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào châu Âu, ông Trần Ngọc Quân cũng nêu những khó khăn mà mọi mặt hàng, quốc gia đều gặp phải. Cụ thể, EU ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, tính bền vững, tính xã hội, môi trường, vòng đời của sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm..., hướng đến giá trị tốt hơn cho môi trường và xã hội.
Để vượt qua những thách thức như vậy, cần phải giải quyết các vấn đề từ thị trường nhập khẩu với tiêu chuẩn về các sản phẩm bền vững. Việt Nam phải chuyển đổi, từ sản xuất số lượng nhiều để đảm bảo mức giá vừa phải chuyển sang tập trung vào những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng, mức độ bền vững để đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chuẩn của EU.
Theo Tham tán Trần Ngọc Quân, nếu kết hợp việc duy trì xuất khẩu hiện tại song song với việc chuyển dần một số bộ phận sản xuất xuất khẩu theo hướng phát triển bền vững, Việt Nam sẽ có thể tiếp cận thị trường châu Âu một cách bền vững hơn.