Cần tập trung vào chất lượng
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch XK gạo tính đến hết tháng 10/2019 ước đạt 5,56 triệu tấn, giá trị ước đạt khoảng 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng, nhưng giảm tới 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Điều đáng nói, giá gạo 5% tấm của Việt Nam từ 330 - 340USD/tấn tăng lên 350USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn) - đứng ở mức cao nhất trong 2 tháng qua, song vẫn thua giá gạo 5% tấm cùng loại của Ấn Độ (365 - 370USD/tấn) và Thái Lan (395 - 400USD/tấn). Trong 9 tháng đầu năm nay, Philippines đứng đầu về thị trường nhập khẩu (NK) gạo của Việt Nam với 35,1% thị phần.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo Việt đang hiện phải chịu nhiều cạnh tranh với các nước khác như Campuchia, Ấn Độ… Thậm chí, Campuchia gia nhập thị trường gạo thế giới khá muộn (năm 2008) nhưng đã có chỗ đứng nhờ những dòng gạo hữu cơ và có giá trị cao.
Nhiều chuyên gia về kinh tế nông nghiệp đánh giá, Việt Nam đi trước Campuchia rất lâu về XK gạo, thậm chí chúng ta đứng top 3 thế giới với sản lượng XK duy trì ở mức khoảng 6 triệu tấn, trong khi XK gạo của Campuchia chỉ xấp xỉ gần 630.000 tấn. Tuy nhiên, điều đáng nói, chất lượng gạo hữu cơ của Campuchia lại rất được các thị trường NK yêu thích, điển hình là Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện, nước này đã lọt top 5 nước XK vào EU, xuất sang Trung Quốc cũng tăng trưởng mạnh. Gạo thơm Campuchia cũng đã 4 lần đạt giải gạo ngon nhất thế giới của The Rice Trader.
Mới đây, ông Sok Puthivuth - Chủ tịch Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) cho biết, để duy trì và giành được danh hiệu này, Campuchia đã biết chú trọng khâu con giống, có được giống gạo thơm ngon từ tổ tiên để lại như gạo “Malys Angkor”. Các nhà nghiên cứu nông nghiệp của Campuchia đã thanh lọc giống lúa, cải thiện chất lượng gạo, tăng tiêu chuẩn xay xát gạo ở cấp độ quốc gia và quốc tế, hợp tác tốt với các đối tác quốc tế.
“Trông người lại ngẫm đến ta”, gạo Việt Nam tuy có sản lượng tốt nhưng nếu không chú trọng chất lượng, khả năng sẽ bị mất lợi thế so với quốc gia láng giềng.
Cải thiện khâu giống, chú trọng mở rộng thị trường
Theo tìm hiểu, gạo XK Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn do một số thị trường NK giảm, điển hình là Trung Quốc. Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, gạo Việt là mặt hàng XK truyền thống, phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển.
Ông Toản cho biết: “Trước mắt, chúng ta cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn khi XK gạo sang Trung Quốc, vốn là một thị trường lớn và rất giàu tiềm năng để khai thác lâu dài. Bên cạnh đó, các thị trường khác như Philippines, châu Phi cũng cần đẩy mạnh khai thác hơn nữa”.
Mới đây, tháng 10/2019, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương Philippines) chính thức thông báo nước này sẽ không áp thuế NK gạo bổ sung đối với gạo NK trong thời gian tới. Động thái này của Philippines được đánh giá là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp (DN) XK gạo của Việt Nam. Đồng thời, các chuyên gia kinh tế dự báo nhu cầu tiêu thụ gạo cả trong và ngoài nước sẽ tăng dần đều đến năm 2030 cũng là cú hích cho XK nói chung.
Các DN XK gạo cũng nhận định, việc Campuchia tăng cường XK gạo sang Trung Quốc, ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể đẩy mạnh hoạt động XK gạo sang Campuchia bởi lượng gạo của nước này khó có thể đáp ứng ngay được mục tiêu XK: “Chúng ta phải hiểu rằng, không phải loại gạo nào cũng XK được mà chỉ tập trung vào các loại chất lượng cao và tương đồng với gạo Campuchia. Ngoài ra, cần thúc đẩy, mở rộng thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông hay những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia”, ông Toản nói.
Nhận định về thị trường XK gạo của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho rằng, về lâu dài, Việt Nam cần giảm diện tích trồng lúa, thay bằng các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác đang rất hiệu quả.
“Chúng ta vẫn giữ vững an ninh lương thực và XK một phần phù hợp. Ngoài ra, vấn đề cần quan tâm tiếp theo là tổ chức lại thị trường trong nước để đảm bảo gạo có chất lượng, bao bì, khả năng cung ứng tốt” - Bộ trưởng Cường khẳng định.
Xuất khẩu gạo giảm do sự cạnh tranh ngày càng lớn
Lý giải về tình hình XK gạo khó khăn trong năm 2019, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, có một nguyên nhân khách quan là thế giới có 7 tỷ người, chỉ có 3,5 tỷ người ăn gạo, nhưng dung lượng hàng hóa của gạo là 36 triệu tấn với khoảng 32 tỷ USD/năm về thương mại. Như vậy, các cường quốc đều tập trung cạnh tranh ở chuỗi giá trị này.