Lời hẹn Nam - Bắc thống nhất gia đình mình đoàn tụ
Sống cùng con cháu tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, bà Lương Thị Thuyết dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, dẫu tóc đã bạc trắng, dáng người hao gầy vì năm tháng, nhưng ký ức về người chồng liệt sĩ - ông Lương Văn Thuyết - vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí bà, như thể mới chỉ hôm qua.
Gần 60 năm, kể từ ngày chồng bà là liệt sĩ Lương Văn Thuyết hy sinh, bà một mình tần tảo nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Gương mặt đầy phúc hậu, đôi mắt đượm buồn, bà kể: năm 1954, lúc đó bà 19 tuổi được gia đình 2 bên mai mối chàng trai làm cán bộ lương thực Lương Văn Thuyết, chàng thanh niên khỏe mạnh, hiền lành, chăm chỉ.
Hạnh phúc giản dị kéo dài hơn một thập kỷ, ông bà có với nhau được 4 người con 2 trai, 2 gái. Vốn là người có kiến thức, trình độ, lại chăm chỉ nên cuối năm 1967, ông Thuyết được cử đi học ở Hà Bắc (trước khi chia tách thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay).
Một năm sau, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, chồng bà hăng hái lên đường nhập ngũ mà chẳng hề bàn bạc với vợ con cũng không một lời từ biệt. Khi đã vào chiến trường mới viết một bức thư gửi về dặn dò gia đình: “Anh nhập ngũ rồi, anh gửi chiếc xe đạp và chăn về. Vợ ở nhà cố gắng nuôi con đợi ngày Nam - Bắc thống nhất, gia đình mình cùng đoàn tụ”.
![]() |
Bà Thuyết bên bằng Tổ quốc ghi công của chồng - liệt sĩ Lương Văn Thuyết. (Ảnh: Zen Linh) |
Thời đó, cả nước đang đói khổ, một mình là thân gái phải làm đủ thứ nghề mới đủ cơm gạo nuôi 4 đứa con, ông Thuyết ở chiến trường biền biệt. Giọng bà nghẹn lại khi nhớ về những năm tháng đói khổ, một mình làm lụng nuôi con. Khi ông đi, bà mới mang thai cô con gái út được ba tháng. Một ngày buồn năm 1969, khi đó bà đang đi làm đồng thì thấy người nhà gọi về nhận thư, linh tính chuyện chẳng lành, bà chân tay bủn rủn chạy về nhà, cầm trên tay giấy báo tử của ông, thông báo ông đã hy sinh tại chiến trường miền Nam.
Bà khóc như một đứa trẻ, thương chồng nằm xuống không một người thân thích bên cạnh, thương các con thiếu thốn hơi ấm của đấng sinh thành. Nhiều ngày sau đó, bà không đêm nào ngủ được, nghĩ đến ông nước mắt lại trào ra. Khi định tâm trở lại, bà tự động viên mình, gieo cho mình một niềm tin nhỏ nhoi, kỳ vọng sẽ có phép màu diệu kỳ, rằng người bạn đời sẽ thoát khỏi cảnh “mưa bom bão đạn” để về với mái ấm thân thương.
Khép lại một hành trình, mở ra sự bình yên
Thời gian trôi đi trong vô vọng, bà Thuyết và các con chấp nhận thực tại đớn đau, ông đã rời xa vợ con. Về sau, bà vừa một mình chăm lo, nuôi nấng các con, vừa lân la tìm thông tin, có điều kiện lại dò hỏi khắp nơi, chỉ mong nhận được hài cốt của ông để tiện bề hương khói cho người quá cố.
Do thời điểm ông lên đường nhập ngũ theo danh sách tại trường đang theo học chứ không thuộc diện của địa phương, nên việc tìm kiếm thông tin của ông khó khăn. Càng về sau thông tin càng nhỏ giọt, nhất là khi đồng đội, bè bạn cùng trang lứa phần vì tuổi cao sức yếu, phần do di chứng đạn bom đã lần lượt về với tiên tổ.
Dù công cuộc tìm kiếm đã nửa thế kỷ từ ngày nhận được giấy báo tử của ông, nhưng không vì khó khăn, vì thời gian đã quá lâu mà bà và các con, các cháu bỏ cuộc. Bà và các con, các cháu vẫn dò la tin tức, hễ có thông tin là tìm được hài cốt liệt sĩ ở chiến trường miền Nam thì đi hỏi xem có phải ông hay không.
Trời không phụ lòng người, vào năm 2022, từ 2 nhân chứng sống (1 của Việt Nam, 1 của Mỹ) mới biết được thảm kịch năm nào. Theo đó, phía địch đã dùng máy múc, đào một hố lớn tại khu vực bến Trại (tỉnh Tây Ninh) rồi cho toàn bộ thi thể của 193 chiến sĩ chết trận vào cả trong đó, bao gồm ông Lương Văn Thuyết.
Từ thông tin ban đầu, con cháu liệt sĩ Lương Văn Thuyết đã khẩn trương tìm và liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự để xác minh chính xác, qua đó sớm hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh quá trình quy tập về nghĩa trang huyện Bến Cầu.
Ông Lương Văn Thân, con trai ông Thuyết chia sẻ: Sau khi quy tập hài cốt bố tôi và các đồng đội về nghĩa trang huyện Bến Cầu, nhà tôi 12 người đã đưa mẹ vào gặp bố. Vậy là sau bao nhiêu năm mẹ tôi như trút đi được một gánh nặng, mặc dù không thể đưa bố về quê để tiện hương khói, chăm sóc, nhưng hàng năm đến ngày giỗ và ngày 27/7 gia đình tôi lại khăn gói vào Nghĩa trang Bến Cầu thắp cho bố tôi và các đồng đội của bố nén hương thơm.
Dù không đón được ông về tại nghĩa trang quê nhà để tiện hương khói, nhưng vợ liệt sĩ Lương Văn Thuyết đã không còn phải lo âu. Bà đã an tâm khi thấy ông nằm cạnh các đồng đội tại nghĩa trang huyện Bến Cầu.
Chiều cuối tháng Tư, đất trời rực nắng, bà Lương Thị Thuyết lặng lẽ thắp nén nhang trầm, lòng nhẹ tênh sau bao năm khắc khoải. Bà bảo, từ ngày tìm thấy chồng, giấc ngủ không còn chập chờn, nước mắt không còn rơi trong im lặng. Dẫu không thể đưa ông về an nghỉ nơi quê nhà, nhưng bà biết, ông đang nằm giữa đồng đội, giữa lòng đất Mẹ - nơi đã sinh ra và giữ gìn hồn thiêng sông núi.
Tháng Tư - tháng của thống nhất, tháng của đoàn viên, tháng của những trái tim tìm thấy nhau sau bao năm chiến tranh chia cắt. Cuộc hội ngộ giữa bà và người chồng liệt sĩ không chỉ khép lại một hành trình dài nửa thế kỷ, mà còn mở ra một khoảng trời bình yên, nơi tình yêu không bao giờ bị chôn vùi, nơi lòng thủy chung vẫn nở hoa trong tim người ở lại...