CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Hòa bình đẹp lắm Việt Nam ơi!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày cuối tháng Tư này, mọi con đường, địa điểm ở TP HCM mang sắc đỏ rực rỡ cờ hoa. Người dân khắp cả nước, từ em nhỏ tới các cụ già đều rưng rưng tự hào, nao nức hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước...
Những bóng hồng trong trong buổi tổng duyệt duyệt binh. (Ảnh: CTTCP)
Những bóng hồng trong trong buổi tổng duyệt duyệt binh. (Ảnh: CTTCP)

Máu và hoa trên dải đất hình chữ S thân yêu!

Sự kiện 30/4/1975 không chỉ kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài, mà còn mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta càng trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và sự phát triển bền vững của đất nước.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong khi miền Nam dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ dẫn đến cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt.

Năm 1975, nhận thấy tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến dịch diễn ra qua ba giai đoạn chính: Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975) - mở màn bằng trận đánh Buôn Ma Thuột, quân giải phóng nhanh chóng chiếm lĩnh Tây Nguyên, tạo thế tiến công như chẻ tre, giải phóng Tuy Hòa - Phú Yên...; Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (tháng 3 - 4/1975): Tiếp tục đà thắng lợi, quân ta giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, làm suy yếu đáng kể lực lượng đối phương và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975): Đây là chiến dịch quyết định, với mục tiêu giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 30/4/1975, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, chiếm Dinh Độc Lập vào lúc 11h30, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước...

Và như thế, ngày 30 tháng 4 năm 1975, một Việt Nam bé nhỏ đã chứng minh cho cả thế giới thấy sức mạnh quật cường của tinh thần đoàn kết dân tộc. Khởi đầu từ những gậy tầm vông, những giáo mác thô sơ, những người dân thật thà, hiền hậu “rũ bùn đứng dậy chói lòa” đã kiên cường chống lại những đại bác, những hạm đội, những pháo đài bay. Lớp này ngã xuống, lớp khác lại đứng lên, đi đến ngày trọn vẹn non sông. Đó là ngày cuối cùng của chiến tranh, sau những gian khổ, hy sinh với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, Nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập - tự do trọn vẹn sau hơn 100 năm Pháp thuộc, 21 năm Mỹ thuộc. Sự hy sinh của lớp lớp người Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng. Sau 21 năm bị ngăn đôi dòng Bến Hải, dải đất hình chữ S thân yêu đã liền một dải, non sông đã thu về một mối. Những đứa trẻ không phải chạy dọc triền sông gọi mẹ khản cổ bờ Bắc, bờ Nam. Những cặp vợ chồng không phải chia lìa lời hẹn thề hai năm, mà đằng đẵng 21 năm...

Sau 50 năm thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từng bước xây dựng đất nước, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước khởi xướng từ năm 1986 đã đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nền kinh tế năng động trong khu vực và trên thế giới, là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư hàng đầu quốc tế. Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với các nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Về kinh tế, GDP Việt Nam năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng vượt mức 7%, đứng thứ 33 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu đạt 786,29 tỷ USD, trong đó xuất siêu hơn 24,77 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn 38,23 tỷ USD…

Ngày 19/4 vừa qua, hòa chung không khí phấn khởi của cả nước chuẩn bị chào mừng ngày lễ lịch sử 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tri ân đồng bào, đồng chí đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ đã tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm, trải dài 3 miền Bắc - Trung - Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 450 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng, các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội được khởi công, khánh thành trên khắp mọi miền đất nước đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ. “Tôi kỳ vọng, đây sẽ là những công trình quan trọng, những công trình có tính “biểu tượng” góp phần định vị hình ảnh Việt Nam “ Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng” trên bản đồ thế giới và cuối cùng là mang lại lợi ích cho người dân, người dân được thụ hưởng thành quả từ các công trình, dự án này”.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, với tinh thần nỗ lực vượt bậc “biến nguy thành cơ”, “chủ động, khôn khéo, linh hoạt để thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế”; với phương châm “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, chúng ta tin tưởng rằng, với trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam đã được thử thách, hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm văn hiến dựng nước và giữ nước, tiếp tục tỏa sáng để đưa đất nước ta vươn lên tầm cao mới, đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

Cùng nhau ta viết tiếp câu chuyện của hòa bình

Chỉ còn 3 ngày nữa, Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ chính thức diễn ra tại TP HCM. Thế nhưng, từ đầu tháng Tư, giới trẻ “rần rần” cập nhật hình ảnh, video ghi lại những khoảnh khắc đầy tự hào, thể hiện tinh thần yêu nước ở khắp mọi nơi. Nhiều con ngõ, địa điểm du lịch, quán cà phê khắp cả nước đã chủ động thiết kế lại không gian, sản phẩm mang dấu ấn quốc kỳ, khẩu hiệu kỷ niệm, hay những biểu tượng văn hóa…

Tự hào là người Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST)

Tự hào là người Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST)

Trên mạng xã hội những ngày này, nhiều đoạn clip được các bạn trẻ thực hiện khiến ai xem cũng phải rưng rưng tự hào. Đôi khi chỉ là một khoảnh khắc nhỏ chụp thành phố yên bình, một đoạn clip ghi lại hình ảnh lá cờ bay phấp phới trong gió hay những gì đẹp nhất, hiện đại nhất ở nơi mình đang sống,... Và tất cả những điều đẹp đẽ đó, được gói gọn trong hai từ: Hòa bình.

Nhiều bạn trẻ còn tranh thủ ôn lại kiến thức lịch sử để thấu hiểu hơn khí thế hào hùng, lòng tự hào dân tộc vào ngày diễn ra hoạt động diễu binh. Bên cạnh đó, có không ít người cập nhật video… tập hát, chuẩn bị sẵn sàng tinh thần hòa ca vào bài ca chung của dân tộc. Những ca khúc ngập tràn tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc được giới trẻ phổ cập với nhau: Những trái tim Việt Nam, Nối vòng tay lớn, Tiến bước dưới quân kỳ, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Cuộc đời vẫn đẹp sao,... là những ca khúc phổ biến, lan tỏa rộng khắp mạng xã hội. Ở “concert toàn dân” này, ai cũng mang trong mình lòng yêu nước, tự hào sục sôi. Nhìn âm nhạc được lan tỏa, mỗi người Việt đều cho rằng, lễ diễu binh sắp tới không khác gì “concert quốc gia”. Ở concert toàn dân này, ai cũng mang trong mình lòng yêu nước, tự hào sục sôi. Càng gần đến ngày 30/4, tinh thần đó càng dâng cao.

Những ngày tháng Tư này, hàng ngàn người dân trên khắp mọi miền đất nước đã tụ hội về TP mang tên Bác đi xem bắn pháo trên bến Bạch Đằng, xem hợp luyện của các đội diễu binh, diễu hành trên một số tuyến đường trung tâm thành phố. Ai nấy đều tràn đầy niềm tự hào vì được là người Việt Nam, biết ơn thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho hòa bình, độc lập hôm nay.

Nhiều em nhỏ được diện những bộ áo dài nhỏ xinh hay màu áo xanh bộ đội, cầm cờ đỏ sao vàng phấn khích vẫy liên tục khi gặp các chú, các anh bộ đội, được chụp hình, bắt tay… Tại các ngả đường có diễu binh, diễu hành đi qua trong những ngày hợp luyện, ngoài tiếng hô vang của chỉ huy còn có lời cổ vũ, động viên của người dân. Niềm tự hào về lịch sử đất nước và những người lính Cụ Hồ ở mỗi người dân Việt Nam luôn trỗi dậy mãnh liệt như thế!

Hình ảnh một em bé mặc áo cờ đỏ sao vàng, đội mũ tai bèo đôi tay ôm chặt bức ảnh Bác Hồ khi đi tham quan trận địa đại bác ở bến Bạch Đằng là một khoảnh khắc đầy cảm xúc và thiêng liêng. Vừa ôm ảnh Bác, cậu bé vừa hát theo nhạc, liên tục đung đưa theo nhịp. Đó không chỉ là một khoảnh khắc đẹp, mà còn là một biểu tượng của truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, của lòng yêu nước được nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ, từ trong tiềm thức mỗi người Việt Nam...

Hình ảnh cụ cựu chiến binh Trần Văn Thanh 77 tuổi từ Nghệ An đã gây xúc động khi tự lái xe máy vào TP HCM để tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Hành trình của cụ bắt đầu ngày 17/4/2025, với hình ảnh chiếc xe máy chở lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đường quốc lộ. Cụ Thanh chia sẻ, đây là ước mơ ấp ủ từ lâu, muốn thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị và khám phá đất nước. “Tôi không đi xe khách hay taxi mà chọn đi xe máy, vì muốn khám phá từng mét vuông đất của Việt Nam”...

“Hòa bình đẹp lắm, kiếp sau lại cùng nhau làm người Việt Nam nhé”, là những lời hẹn ước được các bạn trẻ thốt lên đầy tự hào, thể hiện lòng trân trọng, biết ơn với đất nước, với sự hi sinh của cha ông thấm đẫm máu và hoa như thế. Bởi với người trẻ, yêu nước không chỉ là quá khứ quá đỗi hào hùng, mà còn là tương lai vươn mình, tự hào!...

Đọc thêm