Gặp nghệ nhân làm xăm hường duy nhất tại Huế

(PLO) - Xăm hường là một trò chơi tao nhã bắt đầu xuất hiện từ đời nhà Nguyễn và được lưu truyền đến tận bây giờ. Ông Đặng Văn Tố - người nghệ nhân duy nhất ở Cố đô Huế còn tiếp tục làm xăm hường hơn 40 năm nay mà chưa một lần nản chí muốn bỏ nghề.
Bác Đặng Văn Tố bên cạnh bộ xăm hường
Bác Đặng Văn Tố bên cạnh bộ xăm hường

Đổ xăm hường là trò chơi có từ thời nhà Nguyễn. Ban đầu đây trò chơi dành cho vua chúa, sau đó đến tầng lớp quan lại quý tộc, một thời gian nó phát triển mạnh mẽ ra dân gian được nhiều người biết đến và yêu thích.

Lúc đó, đây là một trò chơi mang tính đẳng cấp, có tính khoa học, khó chơi và còn được sử dụng trong thi cử. Xăm được dịch ra nghĩa là cái thẻ; còn hường ở đây là chữ hồng (màu hồng), do âm hồng có trong chữ Hồng Nhậm, kị húy tên vua Tự Đức nên người ta đọc lái đi thành xăm hường.

Nguyên liệu chính để làm thẻ xăm

Nguyên liệu chính để làm thẻ xăm

Mỗi bộ xăm hường có 63 chiếc thẻ. Thẻ cao nhất là thẻ trạng nguyên (1 thẻ), có giá trị là 32 điểm. Tiếp theo gồm: 1 thẻ bảng nhãn và 1 thẻ thám hoa (16 điểm/thẻ); 4 thẻ hội nguyên (8 điểm/thẻ), 8 thẻ tiến sĩ (4 điểm/thẻ), 16 thẻ cử nhân (2 điểm/thẻ) và 32 thẻ tú tài (1 điểm/thẻ).  Trò chơi dùng sáu hột súc sắc, mỗi con có sáu mặt khắc các dấu chấm theo thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, trong đó, mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ, các mặt khác được tô màu đen. Khi chơi, người ta gieo/đổ/thả cả sáu con súc sắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ vào các mặt hiện ra để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp.

Cơ duyên và cái “tâm” với nghề

Tìm đến căn nhà của ông Đặng Văn Tố nằm trên bờ thành Đại nội Huế ở đường Xuân 68, thành phố Huế. Đây dường như là một công xưởng mỹ nghệ của riêng ông từ nguyên liệu cho đến máy móc phục vụ quá trình chế tác bộ xăm hường.

Trong một góc làm việc nhỏ đầy bụi do mài những chiếc thẻ cho nhẵn bóng, hình dáng một người đàn ông đã có tuổi đang nỗ lực làm ra bộ xăm hường. Ông Tố nói: “Đổ xăm hường người ta chủ yếu chơi vào ngày Tết, đây cũng là một trò chơi lâu đời nên giờ cũng không còn nhiều người biết đến như trước. Thời điểm này là lúc bắt đầu có một vài người đến mua bộ xăm hường để chơi Tết.”

Góc nhỏ làm nghề

Góc nhỏ làm nghề

Kể về cơ duyên đến với cái nghề này, bác tâm sự: “Hồi nhỏ thì cũng tự làm bộ xăm hường bằng tre để chơi, lúc đó cũng được một số người khen khéo tay với đẹp. Sau năm 1975, bác thấy cũng có nhiều người làm nghề này nhưng nhìn không đẹp, không bắt mắt. Trước đây bác cũng là một họa sĩ, giờ mình đam mê cái này và muốn phát triển nó nên bác quyết định tự nghiên cứu và làm bộ xăm hường theo cách của mình.”

Cận cảnh chiếc thẻ xăm trạng nguyên

Cận cảnh chiếc thẻ xăm trạng nguyên

Nguyên liệu làm thẻ xăm hường của bác đó chính là xương bò Thái Lan, vừa to dài, dễ khắc làm hình ông trạng lớn, sử dụng bền mà giá thành bán ra cũng khá hợp lý. So với nguyên liệu tre hay gỗ thông thường thì nó tốt hơn nhiều.

Quá trình làm thẻ xăm hường cũng đòi hỏi sự tỉ mĩ lẫn khéo tay. Ống chân xương bò sau khi mua về phải được làm sạch, luộc và cưa ra từng đoạn nhỏ. Tiếp đó được đem ngâm vôi để tẩy trắng, phơi khô rồi xẻ ra từng mảnh nhỏ để làm thẻ. Các công đoạn gia công làm nhẵn bóng, tạo góc cạnh cho thẻ xăm cũng đòi hỏi sự tinh tế trong từng chiếc thẻ.

Cuối cùng đó là công đoạn khắc hình các ông trạng, chữ Hán Nôm lên mặt thẻ. Ban đầu thì thẻ xăm hường được chủ yếu được khắc thủ công, sau này các hình ảnh và chữ được đem in ra giấy rồi dán lên ép chặt vào thẻ nhưng ông thấy nó không đẹp và nhìn không thấy được cái “hồn” của một bộ xăm hường. Bác đã tự tìm tòi và chế tạo một chiếc máy khắc cho riêng mình, từ đó các bộ thẻ của bác làm ra nhìn có sự đồng đều, tỉ lệ hình khắc ra nhìn chuẩn và bắt mắt hơn. Trung bình một ngày bác làm được 1 bộ xăm hường hoàn thiện.

Chiếc máy khắc do chính tay bác tự thiết kế

Chiếc máy khắc do chính tay bác tự thiết kế

Mọi năm, mỗi dịp tết đến xuân về người ta mới bắt đầu mua bộ xăm hường. Đây cũng là lí do nhiều nghệ nhân làm xăm hường phải bỏ nghề do lợi nhuận kiếm được không trang trải đủ cho cuộc sống. Còn đối với bác, hơn 40 năm nay luôn gắn bó với nghề, quyết tâm giữ gìn và phát huy nét đẹp của trò chơi này.

Mong muốn truyền nghề và phát triển đổ xăm hường

Nhiều người khi đến đây du lịch thì thấy bộ xăm hường họ tỏ ra khá tò mò và thích thú. Một số khách nước ngoài cũng có hỏi cách chơi nhưng bác không rành tiếng anh nên cũng khó mà giải thích cho họ có thể hiểu được. Bác mong muốn có ai đó có am hiểu về luật chơi đổ xăm hường và khả năng dịch sang tiếng anh tốt, có thể khiến người nước ngoài đọc và tự tìm hiểu về trò chơi này. Điều này vừa mang trò chơi của người Việt đến với bạn bè quốc tế vừa có thể giữ được nét đẹp trò chơi này với thời gian, không bị mai một đi.

Bộ xăm hường hoàn thiện được bác bán với giá 400 nghìn đồng

Bộ xăm hường hoàn thiện được bác bán với giá 400 nghìn đồng

Hiện tại ở Huế chỉ còn mỗi mình bác là còn theo nghề làm xăm hường (một số vùng khác như Hội An – Quảng Nam vẫn còn người làm nhưng rất ít). Bác sợ rằng một lúc nào đó nghề này không còn ai theo nữa thì trò chơi này nó cũng sẽ mất đi, một chút tiếc nuối hiện lên trong đôi mắt bác.

Đổ xăm hường không chỉ là một trò chơi dịp Tết đối với người con xứ Huế mà đó còn để lấy may, một nét đẹp ngày Tết được truyền từ đời này sang đời khác. Bao nhiêu năm bác vẫn trăn trở có ai đó để truyền lại nghề, hi vọng thế hệ sau có người tiếp nối giữ gìn nét đẹp dân gian này.