Gấp rút ổn định cuộc sống của đồng bào

(PLVN) - Tính đến tuần qua, Trung ương đã hỗ trợ 350 tỷ đồng, 432 tấn gạo, 19 tấn hóa chất khử khuẩn môi trường Chloramin B, 3 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs. Hiện nay các địa phương đang tổng hợp, thống kê số thiệt hại để đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ.
Khu tái định cư Kho Vàng, huyện Bắc Hà được khởi công ngày 21/9 để sớm bố trí chỗ ở cho người dân vùng lũ. (Nguồn: Cổng TTĐT Lào Cai)

Theo thống kê sơ bộ bước đầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã tác động nặng nề, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm 337 người chết và mất tích, 1.929 người bị thương; hư hỏng 238.000 ngôi nhà; trên 195.000 héc-ta lúa. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu khoảng 61.000 tỷ đồng.

Quyết tâm trước ngày 31/12 có nhà cho bà con

Tại cuộc họp bàn phương án khắc phục thiệt hại sau bão số 3, ổn định đời sống người dân và thúc đẩy các giải pháp khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề nhà ở cho người dân vùng lũ được quan tâm hàng đầu. Có thể nói, chưa bao giờ Lào Cai chịu ảnh hưởng của thiên tai trên phạm vi toàn tỉnh và thiệt hại nặng nề về người, tài sản như cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra vừa qua. Theo số liệu báo cáo, đến chiều ngày 21/9/2024, mưa lũ ở Lào Cai đã làm 201 người chết, mất tích, bị thương; hơn 10.400 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi, sụt lún, hư hỏng công trình phụ.

Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ước trên 800 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực, rau màu thiệt hại khoảng 21.500 tấn. Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng, thiệt hại 188 công trình cấp nước sạch nông thôn, 382 công trình thủy lợi… Ước tổng thiệt hại toàn tỉnh gần 6.000 tỷ đồng.

Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh Lào Cai đã và đang tập trung bố trí sắp xếp dân cư, nhà ở cho người dân vùng lũ. Đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành việc bố trí sắp xếp di chuyển xen ghép 1.503 hộ; ổn định tại chỗ cho 1.712 hộ. Sắp xếp dân cư tập trung 39 dự án, quy mô 2.339 hộ.

Trong đó, 04 dự án ưu tiên cấp bách khẩn cấp, cần xây dựng ngay để hoàn thành trước 31/12/2024 đó là: Dự án tại thôn Tùng Sáng, Lũng Pô của xã A Mú Sung, huyện Bát Xát; dự án tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà; dự án tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà; dự án tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

Khu tái định cư Kho Vàng, huyện Bắc Hà được khởi công ngày 21/9 để sớm bố trí chỗ ở cho người dân vùng lũ. Đối với hỗ trợ nhà ở cho người dân sau ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão; các Quỹ, Tập đoàn đã hỗ trợ xây dựng 632 nhà; các địa phương và Nhân dân xin tự khắc phục, triển khai thực hiện 5.524 nhà ở; còn 2.282 nhà ở cần hỗ trợ thực hiện. Hiện nay, các huyện đang tiếp tục thực hiện rà soát, thống kê số nhà ở bị thiệt hại để có phương án trình UBND tỉnh…

Để chung tay khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đã có trên 6.000 đơn vị ủng hộ tiền mặt, trên 500 đoàn đến các địa phương hỗ trợ từ thiện với giá trị hơn 421,5 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ bằng hiện vật 127,4 tỷ đồng, hỗ trợ bằng tiền mặt 294,1 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng giúp Lào Cai sớm “vực dậy” sau mưa lũ trước mắt cũng như lâu dài…

Tại Yên Bái, cơn bão số 3 đã khiến thành phố Yên Bái chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 24 người chết, hơn 300 ngôi nhà bị hư hại và 50% diện tích thành phố bị ngập úng. Nhiều khu vực dân cư bị chia cắt và trên 5.800 hộ gia đình phải di dời khẩn cấp.

Các huyện Trấn Yên và Lục Yên cũng bị ảnh hưởng lớn, với hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp, đặc biệt là cây dâu tằm bị ngập úng gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ngay sau khi nước rút, chính quyền tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục. Những điểm sạt lở được san gạt, các khu vực nguy hiểm được phong tỏa và cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân. Hệ thống giao thông đã cơ bản được dọn dẹp để phục vụ công tác cứu trợ.

Tại các huyện như Trấn Yên, người dân đã được hướng dẫn phục hồi diện tích dâu tằm, trong khi các hộ bị thiệt hại về tài sản cũng được hỗ trợ để khôi phục sản xuất.

Những khu vực ngập lụt nặng như tại huyện Lục Yên đã nhận được sự hỗ trợ từ cán bộ, lực lượng vũ trang, người dân và doanh nghiệp, giúp dọn dẹp vệ sinh và khôi phục giao thông…

Yên Bái đã chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp nhu yếu phẩm và hỗ trợ cứu trợ cho những hộ gia đình bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương đã tổ chức tiêm vắc xin phòng uốn ván cho người dân tham gia cứu hộ, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng sau thiên tai. Nhiều chương trình thăm hỏi và hỗ trợ tài chính đã được triển khai, giúp người dân ổn định lại cuộc sống.

Bên cạnh đó, chính quyền đã tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng, từ hệ thống điện, nước, cơ sở y tế, các công trình công cộng và giao thông. Đến nay, 100% các cơ sở y tế đã hoạt động trở lại để phục vụ người dân và giao thông cơ bản đã được khôi phục trên các tuyến đường trọng yếu.

Yên Bái không chỉ tập trung vào việc khắc phục thiệt hại mà còn hướng đến tái thiết bền vững. Nhiều biện pháp được triển khai nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai trong tương lai, như nâng cấp hệ thống thoát nước và trồng rừng để bảo vệ môi trường. Các chương trình hỗ trợ cây giống và xử lý đất cũng đang được thực hiện để giúp người dân khôi phục sản xuất.

Với những nỗ lực mạnh mẽ từ chính quyền và người dân, Yên Bái đã từng bước vượt qua khó khăn sau bão lũ. Dù thiệt hại là rất lớn nhưng sự đoàn kết và hỗ trợ kịp thời đã giúp tỉnh nhanh chóng ổn định tình hình và tái thiết cuộc sống. Những biện pháp dài hạn cũng đang được thực hiện nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho tỉnh trong tương lai.

Bằng mọi giá phải thông đường sớm nhất

Đến thời điểm này, giao thông qua 3 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. (Nguồn: Cổng TT tỉnh Cao Bằng)

Đây là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng... Trong trận mưa lũ, sạt lở đất lịch sử đầu tháng 9, trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn ở tỉnh Cao Bằng đã xảy ra 2.621 điểm sạt lở, ách tắc, ngập lụt. Ách tắc, sạt lở nghiêm trọng nhất là tuyến quốc lộ 34, từ thành phố Cao Bằng đi qua 3 huyện là Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm sang tỉnh Hà Giang.

Tuyến đường này đi qua nhiều địa hình núi cao, đồi cao, vực sâu, uốn lượn men theo sông, suối, nên khi mưa lớn kéo dài, đất “ngậm” nước bão hòa, phía ta-luy dương sạt lở đồng loạt với khối lượng lớn. Chỉ trên một số đoạn đường khoảng 100m đã có hàng chục điểm sạt lở, với khối lượng lớn đất đá, cây cối. Khó khăn hơn, sạt lở chồng sạt lở, có đoạn đường vừa khắc phục, thông đường xong, chỉ vài giờ sau lại xảy ra sạt lở, gây tắc đường...

Đến thời điểm này, giao thông qua ba huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình đã được bảo đảm, phục vụ cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ đi lại, nhất là các xe ô tô chở hàng hóa cứu trợ người dân vùng lũ và đi lại của người dân. Tuy nhiên, trên tuyến vẫn còn nhiều điểm nguy cơ sạt lở; có tuyến đường đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đất đá mới chỉ được “vét” tạm ra để thông đường, cạnh đường vẫn còn khá ngổn ngang đất đá. Nếu có cơn mưa lớn, nguy cơ đường lại bị tắc khá cao...

Tại tuyến đường tỉnh 163, nối thành phố Yên Bái đi thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), do chạy song song với sông Hồng nên khi lũ về, nước dâng cao khiến lượng bùn đất vùi lấp hàng chục nghìn khối, có nơi bùn cao hơn 1m. Để sớm thông đường, đơn vị đã huy động tổng lực các máy xúc lật ở các điểm dự phòng, cùng tham gia dọn bùn tại khu vực được phân công trên tuyến chủ yếu của thành phố Yên Bái, nhằm sớm giải phóng đường, giúp các xe cứu trợ đi qua an toàn.

Theo thống kê nhanh, tính đến ngày 16/9, bốn tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Yên Bái đã cơ bản thông tuyến. Riêng quốc lộ 70 (thành phố đi huyện Lục Yên, Bảo Yên) vẫn còn hai điểm sạt núi khối lượng hàng chục nghìn mét khối đất.

Địa phương đã điều thêm máy xúc hỗ trợ, lực lượng thanh tra giao thông cùng cảnh sát giao thông ứng trực, điều tiết lưu thông chỉ đạo các đơn vị thi công tiếp tục hót đất, đá sụt, khơi thông rãnh, bảo đảm thoát nước và an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.

Trong khi đó, Lào Cai được thống kê bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn, đường đến trung tâm các xã bị đứt, gãy khối lượng đất đá sạt lở rất lớn... Để khắc phục, bảo đảm thông xe lên các huyện, xã vùng cao, Sở Giao thông vận tải đã huy động hàng trăm cán bộ, công nhân hót dọn đất, bùn tràn mặt đường, tràn rãnh, phá đá, vận chuyển đúng nơi quy định; sửa chữa mặt đường hư hỏng nhỏ, sửa chữa hư hỏng rãnh dọc, gia cố mái ta-luy âm bằng kè rọ thép, làm đường tránh tạm, thay thế biển báo, hộ lan bị hư hỏng...

Ông Đoàn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức - đơn vị đang trực tiếp xử lý nhiều “điểm nóng” về sạt lở gây ách tắc giao thông, đặc biệt đường vào thôn Làng Nủ, cho biết: sau khi các tuyến đường bảo đảm lưu thông từ UBND xã Lương Sơn và Làng Nủ và một tuyến từ quốc lộ 70 khu vực cầu 75 vào Làng Nủ, Công ty Minh Đức đã huy động các thiết bị tham gia trực tiếp tìm kiếm người mất tích, đồng thời hỗ trợ các cơ quan chức năng vớt thi thể, hỗ trợ các đoàn từ thiện vào khu vực, thực hiện san gạt mặt bằng khu tái định cư cho các hộ dân...

Đọc thêm