Nông dân, doanh nghiệp gặp khó khi cửa khẩu bị “tắc”
Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19 của Bộ NN&PTNT vừa được tổ chức đột xuất vào ngày 6/1. Trước đó, ngày 5/1, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn đều có công văn khẩn thông báo việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu (XNK), khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp (DN) tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu. Trong khi đó, một lượng hàng hóa nông sản rau quả, trong đó có thanh long chuẩn bị cho thị trường Tết và phục vụ xuất khẩu (XK) đang vào mùa vụ thu hoạch.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch tập trung chủ yếu vào Quý IV và I tập trung (khoảng 60%) (Quý I khoảng 300.000 tấn, Quý II khoảng 150.000 tấn, Quý III khoảng 400.000 tấn và Quý IV khoảng 500.000 tấn).
Theo đại diện Cục Trồng trọt, cần một diễn đàn riêng cho thanh long, để tìm đường hướng giải quyết căn cơ cho đầu ra của loại quả này. Không chỉ có thanh long, theo ông Tùng, các loại cây ăn quả khác đều cần thị trường và kết nối tiêu thụ như chuối ở Đồng Nai, Sóc Trăng; xoài tại Đồng Tháp, Trà Vinh; hay mít của Vĩnh Long.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong những năm qua, XK mặt hàng rau, hoa quả vươn lên trở thành một ngành hàng mũi nhọn, năm 2021 đạt giá trị XK 3,52 tỷ USD. Riêng đối với thanh long, đây vẫn là mặt hàng hoa quả XK chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, XK thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỷ trọng rất lớn trong XK.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, cuối tháng 1 đầu tháng 2 này Bình Thuận thu hoạch khoảng 110.000 tấn thanh long. “Thanh long chủ yếu XK sang Trung Quốc, mà cửa khẩu lại đóng cửa như thế này, rất khó khăn cho bà con”- ông Tấn lo lắng.
Cần đa dạng hóa thị trường
Bài toán “giải cứu” nông sản do tắc biên không phải năm nay mới có. Việc quá phụ thuộc vào một thị trường đang là vấn đề căn cơ của nông sản nói chung và thanh long nói riêng.
Tại diễn đàn, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, Ấn Độ đều chia sẻ nhu cầu nhập khẩu hóa quả ở các quốc gia này rất lớn, trong đó có thanh long. Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, nhu cầu thanh long ở đất nước 1,4 tỷ dân này đang rất lớn, hàng năm Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…. Năm 2019-2020, XK thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD.
Ngoài khuyến nghị với Chính phủ, các Hiệp hội, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cũng lưu ý cộng đồng DN cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, chủ động giao lưu, kết nối và trao đổi với đối tác, thận trọng trong quá trình đàm phán, ký kết thị trường, lưu ý về bao bì nhãn mác sản phẩm.
Đại diện Công ty VIEC - một nhà XNK nông sản cho thị trường Hà Lan, ông Như Nguyễn cho biết, giá một quả thanh long cỡ M (400 g), cỡ L (600g) ở siêu thị Hà Lan khoảng 260.000 – 400.000 đồng nhưng chỉ có bán ở siêu thị của người Châu Á, siêu thị bản địa không có. “Nhu cầu các siêu thị Hà Lan nhập hàng là rất lớn bởi hàng hóa không chỉ phục vụ thị trường Hà Lan mà đây còn là cửa ngõ vào Châu Âu”- Ông Nguyễn cho biết.
Là DN đang XK nông sản đi Nhật, Châu Âu và Trung Quốc, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Food cho rằng trước đó phía Trung Quốc đã cảnh bảo các DN Việt Nam XK chính ngạch nhưng các DN không nghe, nếu DN xuất hàng container đi đường biển thì vẫn XK bình thường miễn sao trái thanh long và bao bì không bị nhiễm COVID-19.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng đề nghị các Tham tán thương mại, các DN ở nước ngoài kết nối tiêu thụ gấp thanh long đang mùa thu hoạch, Thứ trưởng cũng cho biết vào khoảng 22- 24/1, Bộ NN&PTNT cũng sẽ có diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản với sự tham gia của các tham tán thương mại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương cần chủ động cấp mã số vùng trồng, áp dụng các quy trình sản xuất như VietGAP, GlobalGAP…, đặc biệt tổ chức Diễn đàn, kết nối chế biến, tiêu thụ tại địa phương mình. “Bộ NN&PTNT sẽ làm hết sức mình, nhưng Bộ chỉ đồng hành, địa phương vẫn phải chủ động.”- ông Nam lưu ý.