Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của một số địa phương, đồng thời thông qua công tác nắm bắt thông tin thị trường giá cả của Cục Quản lý giá cho thấy tình hình cung cầu thị trường ngày 30 Tết là ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần diễn ra bình thường, không có diễn biến bất thường về giá, lượng người dân mua sắm cơ bản ổn định, không nhiều vì đây ngày thứ hai được nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán nên người dân đi mua sắm chuẩn bị cuối năm cũng đã ít hơn so với ngày đầu nghỉ Tết.
Hoạt động mua sắm của người dân chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ cúng Giao thừa và sáng mùng 1 như hoa quả tươi, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống.
Do các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được triển khai chủ động trước Tết, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.
Một số siêu thị có kế hoạch mở cửa xuyên Tết nên sẽ đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các tỉnh thành phố lớn.
Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.