“Gia cố” điểm tựa cho du lịch nội địa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thị trường khách nội địa tiếp tục khẳng định là “điểm tựa” vững chắc cho phục hồi, tăng trưởng du lịch trong năm nay. Điều này đòi hỏi ngành Du lịch cần thực sự đổi mới, bứt phá để có thể giữ chân du khách Việt trên chính “sân nhà”.
Du khách nội địa là “điểm tựa” vững chắc để phát triển du lịch. (Nguồn ảnh: baothuathienhue.vn)
Du khách nội địa là “điểm tựa” vững chắc để phát triển du lịch. (Nguồn ảnh: baothuathienhue.vn)

Du lịch nội địa vẫn giữ vị thế quan trọng

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019.

Thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ước tính, lượng khách du lịch nội địa cả năm 2023 ước đạt 108 triệu lượt người, tăng 5,8% so với kế hoạch đầu năm. Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam phấn đấu phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú), đón 17 - 18 triệu lượt du khách quốc tế. Điều này cho thấy, thị trường nội địa vẫn chiếm vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch Việt Nam.

Khi các chính sách miễn thị thực mới được áp dụng thì lượng khách quốc tế chỉ tăng mạnh ở một số địa phương trong nước. Đối với nhiều nơi khác, thị trường du lịch nội địa vẫn là một thế mạnh. Như ở tỉnh Thanh Hóa, khách du lịch nội địa vẫn đóng vai trò chủ lực. Theo số liệu được công bố vào năm 2020, khách du lịch nội địa đến Thanh Hóa chiếm 98% thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách của tỉnh không bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm 2024, các công ty du lịch - lữ hành tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục chú trọng nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phục vụ du khách nội địa.

Còn tại Hà Nội, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022. Trong đó khách quốc tế đạt 4 triệu lượt, khách nội địa đạt 20 triệu lượt. Xác định tầm quan trọng của nguồn khách nội địa, thời gian qua, Hà Nội thực hiện cơ cấu lại thị trường, với sự ra đời của các tuyến, điểm du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục như kết nối du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Tại đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống nông nghiệp, trải nghiệm các công đoạn sản xuất nghề thủ công truyền thống hay tham gia trò chơi dân gian nhằm tăng cường vận động, bồi dưỡng kỹ năng sống.

Thách thức giữ chân du khách

Theo số liệu từ nền tảng du lịch Klook, du khách Việt Nam là một trong những “tín đồ” du lịch nhiệt huyết nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. Hơn 90% số người tham gia khảo sát cho biết đã đặt chuyến du lịch cho thời gian từ nay đến nửa cuối năm. Các du khách Việt Nam được đánh giá là những du khách tự phát, sợ bỏ lỡ nhất. Họ có xu hướng lựa chọn địa điểm du lịch, “tour độc, tuyến lạ” để trải nghiệm. Đáng chú ý, có tới 36% du khách ở độ tuổi 20 - 40 muốn chi tiêu từ 1.000 - 2.000 USD cho một chuyến du lịch; 71% sẵn sàng đầu tư vào các trải nghiệm du lịch, như thiên nhiên và hoạt động ngoài trời, trải nghiệm văn hóa và hoạt động dưới nước…

Để giữ chân khách du lịch nội địa ở lại “sân nhà”, các địa phương, công ty du lịch, lữ hành đã liên tục đổi mới, nắm bắt xu hướng khách hàng, đưa ra những tuyến du lịch mới lạ, độc đáo. Lấy ví dụ, để đánh thức tiềm năng du lịch ở ngoại thành Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội liên tiếp tổ chức các đoàn khảo sát, xây dựng các tuyến du lịch mới như “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long”. Sắp tới, vào dịp Tết Nguyên Đán, tại Làng cổ Đường Lâm sẽ diễn ra Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch với chủ đề “Tết làng Việt” chào xuân Giáp Thìn 2024.

Thêm vào đó, mạng xã hội cũng được xem là một trong những mắt xích quan trọng. Theo một nghiên cứu mới của Klook, mạng xã hội chính là công cụ thiết yếu để chia sẻ trải nghiệm, thúc đẩy yếu tố lan tỏa và nhu cầu du lịch năm nay, nhất là đối với thế hệ du khách trẻ. Phổ biến nhất với du khách châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả người Việt Nam, là Facebook, TikTok, Instagram và YouTube. Trong đó, du khách Việt dẫn đầu khu vực trong việc sử dụng Facebook (95%) và TikTok (83%). Việc chủ động xây dựng chiến lược thu hút khách trên cả các nền tảng mạng xã hội này có thể giúp ngành Du lịch sớm chuẩn bị, đón đầu các trào lưu du lịch mới của người trẻ.

Mặt khác, bài học từ những năm trước còn cho thấy, ngoài đổi mới sản phẩm tour, rất cần sự “bắt tay” giữa ngành Hàng không và ngành Du lịch, để điều chỉnh giá vé máy bay, thêm những chương trình ưu đãi, đa dạng sản phẩm, nhằm thúc đẩy phát triển của du lịch nội địa. Giá vé máy bay chi phối mạnh đến chi phí các tour du lịch trong nước. Giá vé tăng cao, dễ đẩy giá tour cao hơn, khiến nhiều du khách nội địa lựa chọn đến những địa điểm nước ngoài. Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến lượng khách nội địa đi máy bay năm 2024 sẽ khoảng 38,5 triệu người, giảm 10,5% so với năm 2023. Ngược lại, khách quốc tế tăng 30,6% so với năm 2023. Như vậy, thị trường du khách nội địa không chỉ là “điểm tựa” vững chắc cho cả ngành Hàng không và Du lịch mà còn có rất nhiều dư địa tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thông qua các chiến lược kích cầu hiệu quả.

Đọc thêm