Giá dầu thế giới “bừng tỉnh” sau chuỗi ngày chìm sâu, giá xăng trong nước liệu có giảm trong ngày 21/8 tới?

(PLVN) - Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thế giới đồng loạt tăng sau chuỗi ngày giảm trước đó. Trong khi đó, giá xăng trong nước được dự báo giảm trong kỳ điều hành ngày 21/8 tới đây. 
Giá xăng dầu trong nước được dự báo giảm trong kỳ điều hành giá vào đầu tuần sau, ngày 21/8.

Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 6h30 ngày 19/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 81,25 USD/thùng, tăng 0,86 USD/thùng tương đương tăng 1,07%; giá dầu thô Brent giao ở mức 84,80 USD/thùng, tăng 0,68 USD/thùng tương đương tăng 0,81%.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 tuần, cả hai loại dầu thô chuẩn ghi nhận mức giảm tuần, kết thúc chuỗi tăng hằng tuần dài nhất trong năm 2023 do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu.

Tính chung trong tuần này, giá dầu đã giảm khoảng 2% do cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc làm tăng thêm lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm của nước này và làm giảm ham muốn rủi ro của các nhà đầu tư trên khắp các thị trường.

Theo các nhà phân tích, lo ngại gia tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa hoàn thành việc tăng lãi suất để giảm lạm phát. Chi phí vay cao hơn có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và do đó làm giảm nhu cầu chung về dầu mỏ.

Bên cạnh đó, giá dầu chuẩn bị giảm thêm do nhu cầu theo mùa yếu đi vào mùa thu và dự báo giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 75 đến 90 USD/thùng trong những tháng tới.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng nay: Xăng E5 RON 92 không quá 22.822 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 23.993 đồng/lít; Dầu diesel không quá 22.425 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 21.889 đồng/lít; Dầu mazut không quá 17.668 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11/8 với giá xăng tăng hơn 30 đồng/lít, giá dầu tăng cao nhất là 1.813 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành giá này, liên Bộ đã quyết định: Không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ bình ổn giá đối với 2 mặt hàng xăng, dừng chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, thực hiện chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu mazut.

Theo chu kỳ, ngày 21 tới đây giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh theo giá mới. Trước tình hình xăng, dầu thế giới nhiều dự báo cho rằng, giá xăng dầu trong nước có thể giảm.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, những phiên giao dịch gần đây, giá dầu trên thế giới liên tiếp giảm, tạo cơ hội để giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm theo. Mức giảm đối với giá xăng có thể từ 500 - 900 đồng/lít, giá dầu cũng giảm từ 400 - 600 đồng/lít/kg.

Một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng, nếu giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống thì trong kỳ điều hành ngày 21/8, giá xăng trong nước rất có thể giảm khoảng 500 - 800 đồng/lít, dầu diesel có thể giảm 300 - 600 đồng/lít,kg. Tuy nhiên, nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Từ ngày 25/8 tới đây, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ dừng sản xuất 55 ngày để bảo dưỡng sau gần 5 năm.

Để bù đắp đắp sản lượng xăng, dầu thiếu hụt trong thời gian tới, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẩn trương tăng tối đa công suất sản xuất các sản phẩm xăng dầu, nhằm góp phần cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thị trường. Chủ động xem xét thuê thêm kho để có sản lượng hàng dự trữ lớn nhất.

Đồng thời, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp tăng nhập khẩu xăng dầu từ tháng 7, đảm bảo dự trữ bắt buộc theo quy định trong thời gian Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) dừng hoạt động.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn được đưa vào vận hành từ năm 2018, nhà máy có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đóng góp từ 35 - 40% thị phần xăng dầu tiêu dùng nội địa và đóng góp ngân sách tỉnh Thanh Hóa khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.