Giá dầu thô thế giới hướng tới tuần giảm thứ 7 liên tiếp

(PLVN) - Sáng nay (8/12), giá dầu thô thế giới phục hồi trở lại song đang hướng tới tuần giảm thứ 7 khi liên tiếp lao dốc trong những ngày gần đây. Hiện giá dầu Brent đang giao ở mức 74,32 USD/thùng còn dầu WTI ở mức 69,61 USD/thùng.
Ảnh minh họa.

Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 8h ngày 8/12 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 69,61 USD/thùng, tăng 0,27 USD/thùng tương đương tăng 0,39%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 74,32 USD/thùng, tăng 0,27 USD/thùng tương đương tăng 0,36%.

Giá dầu phục hồi trở lại song đang hướng tới tuần giảm thứ 7 khi luôn duy trì đà lao dốc kể từ khi OPEC+ công bố cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024. Kể từ cuộc họp ngày 30/11 của OPEC+, giá dầu đã mất khoảng 10%.

Reuters cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/12, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu năng lượng chậm ở Mỹ và Trung Quốc trong khi sản lượng từ Mỹ vẫn gần mức cao kỷ lục.

Nhà phân tích John Evans của PVM Oil cho biết: “Với việc nước nhập khẩu dầu lớn nhất toàn cầu (Trung Quốc) chấm dứt cơn khát dầu thô, áp lực vẫn đè lên giá khi nhà sản xuất lớn nhất, Mỹ, tiếp tục duy trì sản lượng cao nhất”.

Các nhà phân tích của ANZ nhận xét, tại phiên giao dịch ngày 6/12, thị trường đã bị hoảng sợ bởi dữ liệu cho thấy sản lượng của Mỹ vẫn ở gần mức cao kỷ lục mặc dù tồn kho giảm.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng của Mỹ vẫn ở gần mức cao kỷ lục: Hơn 13 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, trong tuần kết thúc vào ngày 1/12, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 5,4 triệu thùng lên 223,6 triệu thùng, gấp 5 lần so với kỳ vọng tăng 1 triệu thùng của các nhà phân tích.

Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc cũng hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 11 giảm 9% so với một năm trước do mức tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà máy lọc dầu độc lập làm suy yếu nhu cầu.

Trong khi tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ tháng trước, xuất khẩu trong tháng 11 lại tăng lần đầu tiên sau 6 tháng, cho thấy lĩnh vực sản xuất có thể bắt đầu được hưởng lợi từ sự gia tăng của dòng chảy thương mại toàn cầu.

Giá dầu đã liên tục giảm sau quyết định cắt giảm tự nguyện của các thành viên của OPEC+. Nhận xét về điều này, nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group ở Chicago cho biết: “Thị trường dường như đang cho thấy rằng họ không tin OPEC+ có khả năng thực hiện việc cắt giảm của họ”.

Ngày 7/12, Saudi Arabia và Nga, 2 nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã kêu gọi tất cả các thành viên OPEC+ tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã gặp mặt ngày 6/12 để thảo luận về việc tăng cường hợp tác để ổn định giá dầu. Algeria, thành viên OPEC+, ngày 5/12, cho biết sẽ không loại trừ khả năng kéo dài hoặc cắt giảm nguồn cung dầu sâu hơn. Trước đó 1 ngày, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nhóm sản xuất sẵn sàng tăng cường cắt giảm nguồn cung dầu trong quý đầu tiên của năm 2024 để loại bỏ đầu cơ và biến động.

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu hôm nay như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.290 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 22.322 đồng/lít; Dầu diesel không quá 19.721 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 20.922 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.527 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên được Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 7/12. Theo đó, giá xăng RON 95 giảm nhiều nhất, 668 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm ít nhất, 194 đồng/lít. Đáng chú ý là trong lần điều chỉnh này, cả hai mặt hàng xăng cùng giảm.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ tiếp tục không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Như vậy, tính từ đầu năm, giá xăng đã trải qua 35 lần điều chỉnh giá, với 19 lần tăng, 12 lần giảm, 3 lần giữ nguyên và 1 lần tăng - giảm trái chiều.