Giá dầu thô tiếp đà tăng phiên đầu tuần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mở đầu phiên giao dịch tuần mới, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng nhẹ. Giá dầu Brent lên sát 76 USD/thùng còn dầu WTI tăng lên trên 71 USD/thùng.
Sáng nay (11/12), giá dầu thô tiếp tục tăng. (Ảnh minh họa).
Sáng nay (11/12), giá dầu thô tiếp tục tăng. (Ảnh minh họa).

Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h30 ngày 11/12 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 71,31 USD/thùng, tăng 0,08 USD/thùng tương đương tăng 0,11%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 75,98 USD/thùng, tăng 0,14 USD/thùng tương đương tăng 0,18%.

Tuần trước, giá dầu đã không thể cắt đứt chuỗi giảm kéo dài mặc dù dầu Brent và WTI đã bứt tốc hơn 2% ở phiên giao dịch thứ 5 của tuần. Với 4 phiên lao dốc, giá dầu đã ghi nhận tuần giảm giá thứ 7, xác lập kỷ lục chuỗi giảm hằng tuần dài nhất trong nửa thập kỷ.

Giá dầu đã tăng tốc sau khi Bộ Lao động Mỹ đưa ra dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến, hỗ trợ kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu. Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 11, việc làm phi nông nghiệp tăng 199.000, cao hơn so với dự đoán của Dow Jones là 190.000 việc làm mới, đồng thời cao hơn mức tăng 150.000 trong tháng 10. Việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 giảm xuống 3,7%, thấp hơn 0,2% so với mức dự báo. Cũng trong tháng này, thu nhập bình quân mỗi giờ- thước đo chính của lạm phát - tăng 0,4%, cao hơn so với ước tính 0,3%, và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng hỗ trợ giá dầu tăng là thông tin Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) có ý định bổ sung dầu cho kho dự trữ dầu chiến lược của mình trong bối cảnh giá dầu thấp.

Giá dầu tuần trước đã liên tục giảm trong các phiên do lo ngại nhu cầu giảm và sự không chắc chắn trong tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện của các thành viên của OPEC+. Kể từ sau cuộc nhóm họp gần đây nhất của OPEC+ vào cuối tháng 11, giá dầu đã “lao dốc” hơn 10%. Kết thúc cuộc họp này, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024, trong đó Saudi Arabia và Nga cắt giảm tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày.

Một nhân tố đẩy giá dầu trượt dài là sự tăng trong tồn kho xăng của Mỹ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho xăng của nước này tăng 5,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/12, cao hơn 5 lần so với mức tăng dự kiến của các nhà phân tích. Điều này làm gia tăng lo ngại về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Theo giới phân tích, tuần này, giá dầu sẽ tiếp tục chịu tác động một phần bởi báo cáo việc làm mạnh mẽ hồi cuối tuần trước của Mỹ. Thêm vào đó, các nhà giao dịch cũng sẽ dõi theo cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để xem liệu Fed đã tạm dừng chu kỳ thắt chặt và bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024 hay chưa. Fed đang cố gắng tìm cách đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm và đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu hôm nay như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.290 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 22.322 đồng/lít; Dầu diesel không quá 19.721 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 20.922 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.527 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên được Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 7/12. Theo đó, giá xăng RON 95 giảm nhiều nhất, 668 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm ít nhất, 194 đồng/lít. Đáng chú ý là trong lần điều chỉnh này, cả hai mặt hàng xăng cùng giảm.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ tiếp tục không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Như vậy, tính từ đầu năm, giá xăng đã trải qua 35 lần điều chỉnh giá, với 19 lần tăng, 12 lần giảm, 3 lần giữ nguyên và 1 lần tăng - giảm trái chiều.