Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 6h30 ngày 7/11 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 80,92 USD/thùng, tăng 0,10 USD/thùng tương đương tăng 0,12%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 85,18 USD/thùng, tăng 0,29 USD/thùng tương đương tăng 0,34%.
Giá dầu tăng sau khi các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu là Saudi Arabia và Nga tái khẳng định cam kết cắt giảm nguồn cung cho đến cuối năm nay, vì lo ngại nhu cầu giảm và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Reuters cho hay, nguồn tin từ Bộ Năng lượng Saudi Arabia khẳng định nước này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2023 để duy trì sản lượng khoảng 9 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak Nga cuối tuần qua cho biết Nga sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện thêm 300.000 thùng/ngày từ xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ cho đến cuối tháng 12 năm nay.
Các nhà phân tích cho rằng thị trường dầu mỏ sẽ dư thừa trong quý I/2024 khiến Nga và Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vào mùa đông được dự báo sẽ chững lại và có thể giảm xuống. Đây là yếu tố quan trọng nhất dẫn dắt xu hướng giá dầu trong giai đoạn cuối năm.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/11 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng còn giá dầu giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 250 đồng/lít, giá bán là 22.610 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 410 đồng/lít, giá bán lên 23.920 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 540 đồng/lít, giá bán là 21.940 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hỏa giảm 450 đồng/lít, xuống mức 22.300 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 31 lần điều chỉnh, trong đó có 19 lần tăng, 9 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.