Giá điện sinh hoạt, thực phẩm tăng đẩy CPI tháng 7 tăng 0,45%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước.
Giá thực phẩm, giá điện tăng khiến CPI tháng 7 tăng (Ảnh minh họa).
Giá thực phẩm, giá điện tăng khiến CPI tháng 7 tăng (Ảnh minh họa).

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao nhất 2,84%. Trong đó, dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 2,86%, dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,37%, đồ dùng cá nhân tăng 0,14%, dịch vụ về hiếu hỉ tăng 0,12%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,63%, làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm. Trong nhóm này, lương thực tăng 0,31% đẩy CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,79% làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39% do nhu cầu tăng cao theo mùa du lịch, tác động làm CPI tăng 0,03 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,51% do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/5/2023.

Hơn nữa là giá dầu hỏa tăng 3,44% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 03/7/2023, 11/7/2023 và 21/7/2023; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,29%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19% chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 0,58%; du lịch ngoài nước tăng 0,49% và khách sạn, nhà khách tăng 0,14% khi nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp hè.

Đồng thời, giá dịch vụ thể thao tăng 0,23% so với tháng trước; thiết bị văn hóa tăng 0,19%; thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,15% do nhu cầu tăng trong dịp hè.

Nhóm giao thông tăng 0,11% do đang mùa cao điểm du lịch nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 5,5% ; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,53%. Ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 03/7/2023, 11/7/2023 và 21/7/2023 nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,11%.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2023 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm 19,32% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,44% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Trong tháng 7, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 7/2023 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 3,27% so với tháng 12/2022; tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 1,06%.

Trên thế giới, giá USD tăng, giảm đan xen khi lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt và ảnh hưởng của các thông tin tích cực từ thị trường lao động Mỹ. Trong nước, giá USD trên thị trường tự do quanh mức 23.787 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2023 tăng 0,53% so với tháng trước; giảm 1,71% so với tháng 12/2022; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 2,39%.