Gia đình chủ quan, bé gái 24 tháng tuổi mắc ho gà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bé gái 24 tháng tuổi được chuẩn đoán mắc bệnh ho gà do trước đó mẹ của trẻ ho nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ.

Từ đầu tháng 7/2024 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà đến khám và điều trị. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh. Hiện tại Trung tâm đang điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có 1 bệnh nhi nặng cần phải thở máy.

Trường hợp mới nhất là bé gái (24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng ho nhiều cơn, trong cơn ho có tím mặt, trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính.

Gia đình cho biết, trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bệnh nhi có triệu chứng ho, nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ. Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện trẻ xuất hiện ho húng hắng, không sốt. Sau đó, bệnh nhi ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính nên được gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám và điều trị.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu dịch đường hô hấp để xét nghiệm. Kết quả, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Hiện sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện đáng kể, trẻ giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới.

TS.BS Trần Thị Thu Hương – Trưởng khoa Khám và Điều trị ban ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1 - 2 tuần, kéo dài 1 - 2 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Còn theo thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, các biến chứng nguy hiểm của ho gà có thể kể đến như: viêm phổi nặng, xẹp phổi, suy hô hấp; Viêm não khiến trẻ co giật: Biến chứng cơ học như lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng, trường hợp nặng có thể vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc màng phổi. Ngoài ra còn có các biến chứng khác như xuất huyết, kết mạc mắt, bầm tím dưới mí mắt và nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ.

Chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi trẻ có những biểu hiện sau, cần đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời: Có nhiều cơn ho kéo dài, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt; Ăn kém, nôn trớ nhiều; Ngủ ít; Thở nhanh hoặc khó thở...

Để chủ động phòng chống, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ. Tiêm vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%.

Song song với đó, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

Đọc thêm