Giả giấy tờ, ngang nhiên đưa dân vào chiếm nhà chung cư

(PLO) - Nắm bắt nhu cầu nhiều người dân cần nhà ở nhưng ngại các thủ tục, Trần Quang Hai (SN 1981, ngụ phòng 610, khu F chung cư A2 Nam cầu Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã làm giả giấy tờ, chữ ký giám đốc, đưa các nạn nhân vào ở trong hàng loạt căn hộ chung cư.
KCC Nam Cẩm Lệ, nơi 19 căn hộ bị làm giả giấy tờ, chiếm đoạt
KCC Nam Cẩm Lệ, nơi 19 căn hộ bị làm giả giấy tờ, chiếm đoạt
Bộ mặt thật của Tổ trưởng dân phố 
Đầu năm 2015, qua kiểm tra thường lệ, Công ty quản lý Nhà chung cư (NCC) Đà Nẵng phát hiện có sự chênh lệch đến 19 hộ ở tại nhà A2 chung cư Nam cầu Cẩm Lệ. 
Do thời điểm này khá nhạy cảm, không thể đuổi người khi “năm hết, tết đến”, đồng thời cần phanh phui vụ việc tận gốc, công ty âm thầm cử người theo dõi. Một mặt, cán bộ đến tận khu nhà, đếm đèn người dân thắp sáng, ghi nhận tên tuổi cụ thể, một mặt thâm nhập tìm hiểu. Thấy người có “hoàn cảnh đặc biệt” giống mình, bà Lê Thị Xinh, ông Nguyễn Hoàng Vân… đều là những hộ vừa nhận chung cư nhiệt tình tiết lộ “đường đi nước bước”, hướng dẫn gặp Hai để được “lo liệu”.
Hỏi đến ông Hai, cả chung cư ai cũng biết. Đối tượng có vợ đang công tác tại một bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng, thuộc diện cán bộ công chức chưa có nhà ở. Năm 2014, vợ Hai được bố trí về khu chung cư này. Sống xen kẽ giữa những gia đình nông dân mất đất, vợ chồng Hai rất được tôn trọng. Bản thân Hai dù không có công ăn việc làm ổn định, nhưng biết lợi dụng “mác” của vợ để “đánh bóng” mình. 
Đối tượng Hai
 Đối tượng Hai 
Hai “nổ” có bác làm ở Sở LĐ-TB&XH (nơi nhận hồ sơ xét duyệt thủ tục xin chung cư), bản thân mình cũng công tác tại đây. Sau một thời gian, đối tượng được dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. 
Đối tượng còn có tiếng … ngoại tình. Từ tháng 3/2015, Hai công khai qua lại với một phụ nữ sống ở tầng trên khu chung cư, tên Võ Thị Huyền (SN 1982, hộ khẩu quận Sơn Trà, sở dĩ nêu tên trong bài vì Huyền có vai trò đồng phạm với Hai, cảnh sát đang tiếp tục làm rõ). 
Huyền đã có chồng, hai con, nhận chung cư theo diện giải tỏa đền bù, ở cùng thời điểm với gia đình Hai. Vụng trộm giữa cặp đôi bị vợ Hai phát giác, làm “rùm beng” vụ việc khiến cả khu phải ra can ngăn.  
Trở lại với công ty quản lý nhà, qua một thời gian theo dõi, cán bộ công ty biết được, để thực hiện hành vi, Hai nhắm đến những chung cư còn trống, mới bố trí ít người. Sau đó bằng cách nào đó, Hai có được Biên bản bàn giao nhà, cả con dấu, chữ ký… để giao nạn nhân đi làm thủ tục điện, nước, rồi về trình bảo vệ, nhận nhà. 
Một số giấy tờ bị làm giả
 Một số giấy tờ bị làm giả  
Công ty Quản lý NCC báo cáo vụ việc với cảnh sát. Tiếp cận một bộ hồ sơ giả, cơ quan công an nhận thấy trong “Biên bản cam kết”, phần đại diện Công ty ghi ông Võ Ngọc Hạnh, quyền Trưởng phòng Quản lý CC (thực tế ông Hạnh đã đảm nhận vị trí trưởng phòng), nhưng con dấu, chữ ký nháy lại của ông Nguyễn Hữu Trác, PGĐ Công ty (dù thực tế ông Trác đã không ký nháy từ 1 năm qua). 
Ngoài ra, “Biên bản cam kết” giao nhận NCC theo quy định, Công ty chỉ cung cấp bản photocopy, sau đó đóng dấu đỏ lên chữ ký photocopy để người dân đi làm hợp đồng điện, nước. Đằng này, trong biên bản giả, các đối tượng lại sử dụng chữ ký “tươi”.
Ngày 17/4, lực lượng chức năng đến căn hộ của 19 hộ dân đang ở trong NCC Nam cầu Cẩm Lệ, thu hồi giấy tờ. Các nạn nhân cho biết đa phần được giao nhà, giao chìa khóa, cấp điện nước ở từ 1 - 3 tháng trước đó, lâu nay vẫn đinh ninh mình được giao sở hữu căn hộ theo diện ưu tiên mà không biết đã sập bẫy lừa tinh vi, mất số tiền lớn. Cùng ngày, nghi phạm Hai bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Dắt nhân tình cùng bỏ trốn
Trong quá trình điều tra, cảnh sát xác định không chỉ ở KCC Nam cầu Cẩm Lệ, KCC 12 tầng Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cũng xảy ra tình trạng tương tự; KCC Phong Bắc và E2 Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) đang trong quá trình xây dựng vẫn được mang ra giao dịch. 
Tại đây, cảnh sát xác định có 10 nạn nhân đưa tiền chi phí “chạy” với từ 30 - 115 triệu đồng/căn cho Hai; 17 nạn nhân khác đặt cọc mỗi người 5 - 10 triệu đồng. 
Để có chứng cứ chính xác hơn, PC45 lấy lời khai của bị hại, trưng cầu giám định chữ ký “Biên bản bàn giao Nhà chung cư”, “Đơn xin sửa chữa nhà”... Kết quả cho thấy đều là giả. 
Trong số 43 bị hại tính đên thời điểm hiện tại, chỉ có 2 người gửi đơn đến UBND TP xin thuê nhà chung cư, nhưng thuộc diện ưu tiên 2 (Phụ nữ đơn thân, không thuộc diện hộ nghèo), nên chưa được giải quyết. 
Đói tượng Hồ Văn Thương (Hình hồ sơ công an cung cấp)
 Đói tượng Hồ Văn Thương  (Hình hồ sơ công an cung cấp)
Cuối tháng 5/2015, cảnh sát lần ra nơi ở của cặp đôi, bắt giữ Hai. Nghi phạm khai nhận, từ tháng 10/2004 đến tháng 5/2015, lợi dụng chức vụ Tổ trưởng dân phố, Hai cấu kết với Hồ Văn Thương (SN 1977, ngụ đường Trần Cao Vân) lừa đảo.
Gặp ai, chúng cũng “nổ” chỉ cần đưa 1 đơn xin đăng ký thuê chung cư có xác nhận của chính quyền địa phương, 1 bản sao CMND và bản sao sổ hộ khẩu là “lo được nhà”. 43 nạn nhân đã mắc lừa, đưa số tiền hơn 2 tỉ. Hai khai tiền này được chia đôi cho Thương. 
Phần của mình, Hai tiêu xài, mua vàng tặng bạn gái, tổ chức 2 giải bóng chuyền cho khu chung cư, đến nay đã hết. Ngược lại, nghi phạm Thương cho biết, chỉ lừa bán hai căn hộ cho một thiếu phụ người Hà Nội. Những thông tin trái ngược này đang được cảnh sát điều tra tiếp  
Không chỉ làm giả hồ sơ, con dấu, chữ ký của Công ty Quản lý NCC, trong quá trình lừa đảo, Hai và Thương còn làm giả cả phiếu báo của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng dưới hình thức photocopy lắp ghép.
Đầu tháng 6 vừa qua, Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố, bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở đối với Trần Quang Hai để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS. Hồ Văn Thương cũng bị khởi tố cùng tội danh.  
Thượng tá Quách Dũng, Trưởng phòng PC45 chia sẻ, điều khiến cảnh sát trăn trở trong vụ án này là những nạn nhân. Xét đến yếu tố nhân đạo, nạn nhân đều thuộc diện cần chỗ ở, hơn nữa đã bị mất sạch tiền, nên cảnh sát mới kê biên tài sản, sau đó cho nạn nhân tiếp tục ở lại chung cư, chờ thành phố có hướng xử lý tiếp theo./.

Đọc thêm