Giá nông sản thất thường vì đâu?

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công văn gửi Cục Báo chí, Bộ TT&TT đề nghị hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Giá nông sản thất thường vì đâu?

Trong công văn, Bắc Giang cho biết, trong những ngày qua, khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương bạn, các cơ quan thông tấn báo chí cùng nhân dân cả nước đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ vật chất, tinh thần giúp Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Giang trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng lưu ý, công văn của tỉnh nêu: "Vải thiều Bắc Giang hiện đang được xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản. Để tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu và tiêu thụ nội địa… đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" trong các tin, bài, phóng sự… khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng".

UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, sau khi có các tin, bài, phóng sự có từ "giải cứu", giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân.

Đề nghị của tỉnh Bắc Giang khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Có lẽ nào từ “giải cứu” lại mang lại hệ lụy nhiều như vậy?

“Giải cứu” là một động từ Hán Việt gồm hai thành tố: Giải có nghĩa "gỡ ra, tách ra, cởi ra"; cứu là "cứu vớt". Trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” do Trung tâm Từ điển học (NXB Đà Nẵng, 2020), giải nghĩa từ này là "cứu thoát khỏi tai nạn".

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, từ "giải cứu" đột nhiên xuất hiện dày đặc không chỉ trên mạng, trên các phương tiện truyền thông mà trong cả đời sống. Vào Google gõ thử đã có ngay 210 triệu kết quả trong 0,56 giây. Đi trên đường, nhiều ngóc ngách đường phố thấy trưng quảng cáo “giải cứu nông sản” lúc thì khoai lang, lúc thì dưa hấu, khi thì hành, tỏi… Phải thừa nhận, nếu cứ gặp “giải cứu” mọi lúc mọi nơi thì tâm lý người tiêu dùng có thể sẽ dần mặc định coi nông sản Việt là yếu thế. Các cơ quan truyền thông báo chí cần đi đầu để hạn chế sử dụng từ này khi nói về nông sản Việt. Đề nghị của Bắc Giang có thể là hợp tình, hợp lý.

Thế nhưng cũng phải nói cho sòng phẳng, để xảy ra tình trạng giá nông sản thất thường, không phải chỉ vì từ “giải cứu”. Trả lời báo chí về chuyện này, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT nêu quan điểm, dư luận xã hội cho rằng nông nghiệp cần "giải cứu" là chưa đúng. Và để xóa bỏ suy nghĩ này, ngành nông nghiệp cần hành động cụ thể hơn.

"Nhiều người mua nông sản vì thương bà con nông dân nhưng mua nhiều về dùng không hết là lãng phí. Theo tôi, không nên dùng từ "giải cứu" nữa, bởi lẽ giải cứu mang tính chất thương cảm, thương xót chứ chưa chú trọng đến công sức của bà con nông dân. Hơn thế, tại những điểm mua bán nông sản tự phát, nhiều người tụ tập là không thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch Covid-19", vị này nhìn nhận.

Theo vị này, cần có biện pháp kết nối cung - cầu nội địa tốt hơn. Dù có dịch bệnh hay không thì có thời điểm, hiện tượng nông sản cung vượt cầu vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, thông tin giữa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ nhiều lúc không khớp nhau. Có những lúc hành tím tại một huyện miền Tây rớt giá xuống 5.000-6.000 đồng/kg, nhưng người dân vẫn thắc mắc tại sao ở Đắk Lắk vẫn mua tới 45.000 đồng/kg mà không có hàng để mua. Như vậy, câu chuyện kết nối thị trường nông sản nội địa của chúng ta vẫn chưa tốt, dẫn đến dư thừa cục bộ. Phải giải quyết được nguồn cơn này mới là xử lý tận gốc vấn đề.

Đọc thêm