“Quá tam…”
Theo Quyết định 1079/2014/QĐ-BTC của Bộ Tài chính việc áp đặt giá trần với sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu lực từ 1/6/2014, mức giá bán buôn của nhiều sản phẩm sữa bị khống chế giá trần thấp hơn 10% - 15% so với giá bán buôn hiện hành; giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với giá bán buôn. Thời hạn áp dụng Quyết định này đến 31/5/2015.
Nghị quyết 33/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 4/2015, Chính phủ thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện quản lý giá tối đa theo quy định tại khoản 7 Điều 17 Luật Giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trong thời hạn từ ngày 01/ 6/ 2015 đến hết ngày 31/12/ 2016.
Để góp phần bình ổn giá sữa và kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2016, ngày 7/6/2016, tại Nghị quyết 49/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thống nhất tiếp tục áp trần giá sữa đến hết ngày 31/12/2016 theo tinh thần Nghị quyết 33/NQ-CP.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2016 của Bộ Tài chính, trả lời báo chí về việc có tiếp tục áp trần giá sữa nữa không, bà Đinh Thị Nương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho biết, Bộ này sẽ đánh giá, tổng kết việc áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa trong thời gian qua để báo cáo Chính phủ giải pháp trong thời gian tới.
“Trong trường hợp Chính phủ tiếp tục cho áp dụng biện pháp bình ổn giá như hiện nay thì sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết 33/NQ-CP.. Nếu Chính phủ cho phép dỡ bỏ áp trần giá sữa thì Bộ Tài chính sẽ triển khai một số giải pháp cụ thể để bình ổn giá mặt hàng này trong thời gian tới...”, bà Nương cho biết.
Các giải pháp mà Bộ Tài chính sẽ triển khai nếu Chính phủ cho phép dỡ bỏ áp trần giá sữa được đại diện Cục Quản lý giá nêu ra là: Phối hợp cơ quan chức năng, bộ, ngành, địa phương kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về giá đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh (SXKD) sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi; rà soát chặt chẽ hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân SXKD sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá và kê khai giá gửi về Bộ Tài chính…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ chỉ đạo cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra giá nhập khẩu nguyên liệu, giá nhập khẩu thành phẩm của các tổ chức, cá nhân SXKD mặt hàng này; tiến hành tham vấn giá nhập khẩu các sản phẩm kê khai giá cao hơn mặt bằng giá cùng loại tại nước xuất khẩu và các nước trong khu vực để kiểm soát tình trạng tăng giá nhập khẩu đầu vào để tăng giá bán trong nước của các DN phân phối sữa…
“Bỏ thì thương, vương thì tội”
Thông tin sẽ có thể không áp trần giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ năm sau khiến nhiều “bà mẹ bỉm sữa” lo lắng. “Vẫn biết là các hãng sữa vẫn có thể tìm cách lách các quy định để tăng giá nhưng dù sau có quản vẫn hơn…”, một bà mẹ chia sẻ.
Tuy nhiên, về phía DN, nhiều ý kiến cho rằng việc áp trần giá sữa đã tạo sân chơi không bình đẳng, bởi có mặt hàng sữa nội đã buộc phải giảm 15% trong khi sữa ngoại chỉ giảm hơn 1% giá. Do giá sữa nội vốn đã thấp hơn sữa ngoại, khi bị áp thêm mức giảm này khiến DN nội khó đầu tư phát triển thêm các sản phẩm mới và điều này khiến người tiêu dùng thiệt thòi vì không có nhiều sản phẩm để chọn lựa… Trong khi đó, nhiều hãng sữa vẫn tìm mọi cách để tăng giá như gia tăng độ tuổi cho người sử dụng, thay đổi trọng lượng sữa, đổi tên thành phần thực phẩm dinh dưỡng, sản phẩm bổ sung vi chất...
Về phía các chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Nhà nước bỏ “bàn tay thép” trong áp trần giá sữa. “Có thể quy định này phù hợp trong thời điểm cách đây 2 năm nhưng bây giờ đã khác. Chúng ta đã hội nhập sâu hơn với nhiều hiệp định thế hệ mới được ký kết, không lẽ cứ dùng biện pháp hành chính mãi sao?”, một chuyên gia lên tiếng.
Báo cáo mới công bố của Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng việc Bộ Tài chính can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN thông qua các biện pháp hành chính như áp đặt giá bán tối đa không chỉ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của DN, mà còn ảnh hưởng đến thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn. Khảo sát do EuroCham thực hiện đã chỉ ra 60% số người dân cho rằng họ không hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít từ các biện pháp can thiệp vào giá sữa của Nhà nước…
Chẳng bộ nào muốn quản lý giá sữa (!?)
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 177/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ, việc quản lý, thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương.
Căn cứ Điều 17 Luật Giá quy định các biện pháp bình ổn giá, dự thảo Nghị định sửa đối, bổ sung thêm các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và Bộ Y tế để tăng thêm các công cụ điều tiết giá đối với mặt hàng bình ổn giá do các bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn.
Theo Dự thảo, Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá, hướng dẫn thực hiện đăng ký giá đối với sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Bộ Công Thương cũng được đề xuất là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu đề xuất trình Chính phủ quyết định và hướng dẫn, tổ chức thực hiện đối với các biện pháp bình ổn giá như điều hòa cung cầu hàng hóa, kiểm soát hàng tồn kho...
Trước đề xuất này, Bộ Công Thương lập tức có văn bản khẳng định việc Bộ Công Thương “được” đề xuất giao quản lý giá sữa là không phù hợp các quy định hiện hành, bởi Luật Giá đã quy định rõ về việc Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (trong đó có mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi).
Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ tiếp tục là cơ quan phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phát triển thị trường và hệ thống phân phối các mặt hàng, trong đó có sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi.