Gia tăng bệnh nhi biến chứng nặng do Viêm não Nhật Bản

(PLO) - Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, hiện BV đã ghi nhận hơn 140 ca viêm não. So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc viêm não
không tăng đáng kể, nhưng số trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B (VNNB B) lại có chiều hướng gia tăng.
Bệnh nhi bị viêm não đang điều trị tại BV Nhi Trung Ương
Bệnh nhi bị viêm não đang điều trị tại BV Nhi Trung Ương
Theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, nếu như từ đầu năm đến hết tháng 5/2014 BV chỉ xác định được 2 ca VNNB B thì từ 1/6 đến nay, BV đã ghi nhận thêm 30 trường hợp, nâng tổng số ca VNNB B lên 32 trường hợp. Đáng lo hơn, đến nay đã có 2 ca tử vong, trong đó có 1 ca xét nghiệm dương tính với VNNB B, 1 ca có liên quan. Hiện Khoa Truyền nhiễm của BV đang điều trị cho 14 ca VNNB B/tổng số 40 ca viêm não, trong đó có 6 BN bị di chứng nặng đang phải thở máy (nguy hiểm nhất là biến chứng lên não và liệt vận động). Cũng theo TS Trần Minh Điển, hiện nay đã là đỉnh dịch viêm não, đặc biệt là VNNB B. Dự kiến số bệnh nhân (BN) mắc viêm não sẽ tăng bất thường và tiếp tục gia tăng đến hết tháng 7/2014.
Bác sỹ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương lo ngại cảnh báo, trong số các ca VNNB B đang điều trị tại BV, có rất nhiều ca bệnh chưa được tiêm phòng bệnh hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Bên cạnh đó, không ít trường hợp bị biến chứng nặng, rất nặng do người nhà tự ý mua thuốc về điều trị, điều trị không đúng cách và đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị muộn. Trong khi đó, bệnh VNNB B diễn tiến rất nhanh và biến chứng rất khó lường...
Có mặt tại Phòng Cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương vào thời điểm nắng nóng nhất của mùa hè, chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí ngột ngạt cũng như sự âu lo của những gia đình không may có con mắc phải bệnh này.
Bên cậu con trai 7 tuổi đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, anh Lò Văn Hòa (38 tuổi, dân tộc Kháng, trú tại xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cho hay, con trai anh – cháu Lò Văn Tương nhập viện ngày 19/6 trong tình trạng mê man, bất tỉnh, ăn thì qua xông, vệ sinh tại chỗ...
Bệnh nhi Lò Văn Tương
 Bệnh nhi Lò Văn Tương
Theo lời anh kể, khi Tương có biểu hiện sốt cao, đau đầu, anh chị đã mua thuốc giảm đau về cho con uống, nhưng bệnh tình không khỏi nên gia đình đã đưa cháu lên BV Đa khoa tỉnh khám và điều trị. Tại đây, các bác sỹ đã chẩn đoán cháu bị viêm não, nhưng điều trị ròng rã hơn 2 tuần vẫn không có biến chuyển gì, thậm chí bệnh còn nặng hơn. Thấy bệnh tình của con như vậy, gia đình đã 3-4 lần xin BV
BV chuyển lên tuyến trên nhưng phải đến lúc bé Tương “nằm bẹp không biết gì nữa...” họ mới đồng ý cho chuyển viện. Tại BV Nhi Trung ương, cháu được xác định mắc VNNB B nhưng đã bị biến chứng lên não.
Tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nguyễn Nhật Cảm cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 12 ca VNNB B. Từ ngày 27-29/6, thành phố tổ chức tiêm vét vaccine VNNB B cho đối tượng chưa tiêm trong đợt 1, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95%. Ông Cảm cho biết, VNNB B là bệnh nhiễm virus VNNB cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt, cho tới nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch. Theo đó, tiêm mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi...
Cùng với việc tăng cường tiêm chủng, hỗ trợ dinh dưỡng, để phòng bệnh hiệu quả, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt; đồng thời thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Đặc biệt, khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đọc thêm