PGS.TS Vũ Dương Huân nhấn mạnh: “Hiệp định này đã khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được cộng đồng quốc tế công nhận”.
Giá trị pháp lý vững chắc
- Hội nghị Geneve 1954 là một hội nghị quốc tế lớn, thực chất là Hội nghị thương lượng giữa các nước lớn về chiến tranh Đông Dương. Kết quả của Hội nghị là tuyên bố 13 điểm và các hiệp định đình chiến với 3 nước Đông Dương, giải quyết cơ bản chiến tranh Đông Dương, có giá trị pháp lý vững chắc liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Hội nghị Geneve (diễn ra từ 8/5 - 21/7/1954) có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, với sự tham dự của 9 bên gồm 5 nước lớn (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, CHND Trung Hoa), Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và 3 nước trong Liên hiệp Pháp (Lào, Campuchia và Quốc gia Việt Nam), thống nhất ban hành 3 hiệp định đình chiến giữa Pháp với Việt Nam, với Lào, với Campuchia và tuyên bố cuối cùng 13 điểm, trong đó nói về Trường Sa, Hoàng Sa.
Theo đó, Điều 12 của Tuyên bố cuối cùng khẳng định: “Các nước tham gia hội nghị tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) là quyền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, chính là công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa (lúc đó do Pháp quản lý, sau này trao lại cho Việt Nam Cộng hòa).
Liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa thì tại Điều 1 và Phụ lục của Điều này tại Hiệp định đình chiến giữa Việt Nam với Pháp nêu: phân khu vực tập kết giữa miền Nam và miền Bắc, lấy vĩ tuyến 17 và sông Bến Hải làm ranh giới. Từ vĩ tuyến 17 kéo ngang ra biển là giới tuyến tạm thời trên biển. Căn cứ vào đó, Trường Sa, Hoàng Sa thuộc phía Nam vĩ tuyến 17, thuộc quyền quản lý của chính quyền Quốc gia Việt Nam (sau này do Việt Nam Cộng hòa quản lý).
Trung Quốc là một bên tham gia ký kết Hiệp định Geneve 1954 và là một bên cực kỳ hăng hái, tích cực, chủ động đóng góp vào Hiệp định Geneve 1954 thì rõ ràng Trung Quốc cam kết công nhận các quyền dân tộc của Lào, Việt Nam, Campuchia và đảm bảo thi hành nội dung Hiệp định, trong đó có Hiệp định đình chiến giữa Việt Nam với Pháp (cũng là một phần của Hiệp định Geneve 1954). Như vậy, Trung Quốc phải thừa nhận nội dung của Hiệp định này và việc phân vùng giữa miền Bắc và miền Nam, việc Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó thuộc quyền quản lý của chính quyền Quốc gia Việt Nam.
Nhiều ý kiến vẫn nghi ngại Hiệp định Geneve 1954 không được các nước “đặt bút ký” thì không có giá trị. Theo ông có đúng như vậy không?
- Tôi khẳng định Hiệp định Geneve 1954 là văn bản pháp lý có ý nghĩa lớn, được cả thế giới công nhận, chỉ có điều cách thức biểu quyết Hiệp định không giống các Hiệp định khác khiến nhiều người hiểu lầm. Thực ra cách ký kết Hiệp định là do Hội nghị thỏa thuận, quyết định thông qua Tuyên bố cuối cùng bằng việc các bên tham gia phát biểu thông qua, chứ không “đặt bút ký”. 7 đoàn đã phát biểu ủng hộ thông qua, riêng đoàn Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thì hơi “kênh” vì Việt Nam Cộng hòa không muốn chia 2 miền Nam - Bắc, còn Mỹ muốn “rảnh tay” để sau này phá Hiệp định với mong muốn “thế chân” Pháp ở Đông Dương nên “để ngỏ” mà không tuyên bố ủng hộ, nhưng cũng không bác bỏ Hiệp định.
Như vậy, dù Mỹ và Việt Nam Cộng hòa không tuyên bố ủng hộ Hiệp định nhưng không có nghĩa là Hiệp định Geneve 1954 không có giá trị pháp lý, mà ngược lại, đây là một hiệp định quốc tế do các bên thỏa thuận tại một hội nghị quốc tế nên vẫn được cả thế giới công nhận. Cách thức thông qua văn bản cuối cùng của Hội nghị đã được các bên tham gia quyết định và ghi lại trong Biên bản Hội nghị. Hơn nữa, trong Điều 1 của Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định đã nói rõ điều này với việc nêu đủ 9 bên tham gia.
Những vi phạm mang tính hệ thống của Trung Quốc “phá vỡ” Hiệp định
Như vậy, việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực năm 1974 đã vi phạm Hiệp định này như thế nào, thưa ông?
- Việt Nam đã thực thi chủ quyền liên tục từ thời Pháp thông qua chính quyền đô hộ bởi theo Hiệp ước năm 1864, Việt Nam là thuộc địa của Pháp và Pháp thực thi chủ quyền thay mặt Việt Nam. Trong 20 năm (1954-1974), Việt Nam Cộng hòa thực thi chủ quyền liên tục tại Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng sau khi khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, thực hiện Hiệp định Geneve 1954 thì tháng 4/1956, Pháp rút khỏi Việt Nam, trong đó rút khỏi phần mà Pháp đã thực thi chủ quyền thay Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Lợi dụng thời cơ đó, Trung Quốc đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa của chúng ta. Đó là lần thứ nhất Trung Quốc vi phạm Hiệp định Geneve 1954.
Nghiêm trọng và nguy hiểm hơn là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì ngày 15/1/1974, Trung Quốc cho một loạt tàu hải quân đánh chiếm nốt phần còn lại quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, Trung Quốc đã chiếm trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và dùng chiến tranh xâm lược, tấn công lực lượng Hải quân của Việt Nam Cộng hòa để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Hiệp định Geneve 1954 và chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Sau khi đặt được chân trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, bằng con đường đó, Trung Quốc tiếp tục lấn tới, tháng 3/1988 tấn công lực lượng Hải quân Việt Nam, chiếm 7 đảo đá tại quần đảo Trường Sa và đặc biệt là cuộc chiến chiếm đảo Gạc Ma - nơi Việt Nam đang thực thi chủ quyền hợp pháp, khiến 64 chiến sỹ hải quân hy sinh. Một lần nữa Trung Quốc lại vi phạm pháp luật quốc tế khi dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Trường Sa. Lần thứ ba, năm 1995, cũng bằng vũ lực, Trung Quốc chiếm đảo Vành Khăn và năm 2012 Trung Quốc tấn công bãi Hoàng Nham (là một đảo do Philippines đang quản lý) thuộc quần đảo Trường Sa.
Với những hành động lấn chiếm bằng vũ lực liên tục như vậy, Trung Quốc đã thực hiện một hệ thống vi phạm độc lập chủ quyền, luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm biến biển Đông thành “ao nhà”, vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ), không thực hiện nghĩa vụ thành viên LHQ, nhất là nguyên tắc của pháp luật quốc tế là “cấm xâm lược, chiếm lãnh thổ nước khác bằng vũ lực”.
Theo ông, có phải chính việc Hiệp định Geneve 1954 có nhiều phần không được các bên tham gia thực hiện nghiêm chỉnh đã tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực?
- Trung Quốc là một bên thi hành Hiệp định nên có trách nhiệm thi hành, nhưng thực tế một số nội dung của Hiệp định đã không được thi hành nghiêm túc do Mỹ “muốn phá Hiệp định” ngay từ đầu nên đã thành lập chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam mà không để tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc; còn Pháp sau 100 năm đô hộ và 9 năm tiến hành chiến tranh xâm lược đã muốn “rũ tay” khỏi Đông Dương nên cũng không thực hiện Hiệp định. Đó chính là hoàn cảnh dẫn tới việc khi Trung Quốc lấn chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa, thì cũng không ai có ý kiến hay họp Ủy ban giám sát việc thực thi Hiệp định như nội dung Điều 13 trong Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định Geneve 1954. Chỉ khi Ngô Đình Diệm vi phạm Hiệp định thì VNDCCH có kiến nghị xử lý nhưng các kiến nghị đều rơi vào “khoảng không” vì bản thân Việt Nam Cộng hòa và Mỹ đều quyết tâm phá Hiệp định từ đầu, không để ý đến những vi phạm đó.
Công thư năm 1958 chưa mang giá trị pháp lý theo Hiến pháp Việt Nam năm 1946
Liên quan đến mưu đồ chiếm biển Đông, Trung Quốc đã khẳng định chính Công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là căn cứ khẳng định Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
- Cũng như nhiều chuyên gia quốc tế, tôi khẳng định ý kiến của Trung Quốc cho rằng với Công thư năm 1958, Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa là sai vì không có cơ sở pháp lý. Trong Công thư năm 1958 chỉ tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối Trung Quốc về việc công nhận lãnh hải 12 hải lý, chứ không nói về vấn đề khác, vấn đề chủ quyền chung. Trên thực tế, thời điểm đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc phần quản lý của Quốc gia Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) nên Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu về phần lãnh thổ do chính quyền khác quản lý là khó có thể có giá trị pháp lý mà chỉ có ý nghĩa chính trị. VNDCCH lúc đó đang thực hiện tổ chức Nhà nước theo Hiến pháp năm 1946, trong đó Điều 23 qui định: “Các thỏa thuận, điều ước quốc tế phải được phê chuẩn của Quốc hội”, nhất là các điều ước, thỏa thuận liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Công thư 1958 thiếu sự phê chuẩn của Quốc hội VNDCCH. Việc nội luật của Việt Nam thời điểm đó qui định như vậy mà coi Công thư năm 1958 là văn bản pháp lý thì rõ ràng vi hiến, nên không thể căn cứ vào đó để nói rằng Việt Nam từ bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Đặc biệt, kế tục Pháp quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản ứng mạnh mẽ, nhất quán đối với các tuyên bố, hành vi lấn chiếm của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay tại Hội nghị năm 1951 ở San Francisco (Mỹ), 48/51 nước tham dự đã không có ý kiến phản đối tuyên bố của đại diện Quốc gia Việt Nam khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, nhưng đã phản đối đề nghị của Ngoại trưởng Liên Xô (lúc đó thay mặt lợi ích của CHND Trung Hoa tại Hội nghị) về việc chuyển giao Hoàng Sa, Trường Sa cho CHND Trung Hoa.
Có ý kiến cho rằng, việc phản đối này cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc buộc phải đi bước tiếp theo là lấn chiếm Hoàng Sa, phải như vậy không, thưa ông?
- Thực chất, ý đồ của Trung Quốc độc chiếm biển Đông có từ rất sớm và được kế tục lập trường của Trung Hoa Dân quốc. Từ năm 1947, Trung Hoa Dân quốc đã đưa ra ý tưởng “đường lưỡi bò” mà không hề có căn cứ và không được thừa nhận. Và ngay trước khi Hội nghị San Francisco khai mạc, Thủ tướng Chu Ân Lai đã phát biểu, thể hiện lập trường của Trung Quốc muốn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và khi sức mạnh tăng lên, có điều kiện thì Trung Quốc dần dần lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa để hiện thực hóa ý đồ bá quyền trên biển Đông.
Dù Trung Quốc có biện minh, lập luận ra sao thì những hành động vi phạm Hiệp định Geneve 1954 cũng cho thấy Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!