Gia tăng các vụ khiếu nại có tính chất quyết liệt, đòi yêu sách

(PLO) - Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các Chương trình phối hợp về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC); giám sát, nâng cao hiệu quả giải quyết  KNTC ở cơ sở, diễn ra sáng nay (11/10) tại Hà Nội. 
Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KNTC gồm 5 cơ quan: Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KNTC gồm 5 cơ quan: Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chất lượng công tác giải quyết KNTC được nâng cao

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, KNTC là một kênh thông tin khách quan phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước, phản ánh tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức. Do đó, công tác giải quyết KNTC không những có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, mà còn thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. 

“Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật do mình ban hành, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Vì vậy, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một vấn đề được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm”- Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tháng 11 năm 2014, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam đã ký kết 02 Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực này, gồm: Chương trình phối hợp ngày 11/11/2014 giữa Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở và Chương trình phối hợp công tác ngày 25/11/2014 giữa Thanh tra Chính phủ và Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. 

Đánh giá về hiệu quả của hai Chương trình phối hợp này, ông Trần Thanh Mẫn nhận định, sau 05 năm triển khai thực hiện ở cả Trung ương và địa phương, hai Chương trình phối hợp trên đã phát huy được hiệu quả tích cực trong công tác nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó, đã từng bước giảm dần tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở; khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người, góp phần ổn định tình hình ở địa phương... Nhiều kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tiếp thu, xem xét và phản hồi, từ đó chất lượng hoạt động giám sát cũng như chất lượng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được nâng cao.

Ông Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị
Ông Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng nhận định, việc triển khai các Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết KNTC ở cơ sở trong 05 năm qua còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc triển khai công tác giám sát ở một số địa phương còn chưa chủ động, mang tính hình thức; việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát còn lúng túng. Việc theo dõi kết quả, thông báo của đơn vị chủ thể đối với đối tượng được giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm.

Đáng chú ý, việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân theo Chương trình ở các địa phương nhiều lúc cũng còn gặp khó khăn do các vụ việc thường đã được các cơ quan giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài qua nhiều năm. Tính chất vụ việc phức tạp, nhạy cảm, do đó khi trợ giúp pháp lý cho người dân, luật sư cũng không thể nắm bắt hết và hiểu  thấu đáo bản chất các vụ việc trong thời gian ngắn; các vụ việc được lựa chọn để giám sát thường là vụ việc phức tạp, kéo dài nên trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Có sự liên kết giữa các đoàn khiếu kiện đông người 

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu đã nêu ra những ưu điểm cũng như hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện; đồng thời đề xuất hướng phối hợp công tác trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát cũng như công tác giải quyết KNTC của công dân. 

Dẫn thực tế từ Trụ sở Tiếp công dân của TƯ, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cho biết, trong hơn 03 năm qua (2015, 2016, 2017, 6 tháng năm 2018), tình hình khiếu kiện vượt cấp lên TƯ mặc dù có xu hướng giảm nhưng tính chất, mức độ của các vụ khiếu nại, tố cáo diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều đoàn khiếu kiện đông người có sự liên kết với nhau, tính chất gay gắt, quyết liệt, đòi yêu sách, đeo bám dài ngày gia tăng.

Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu đã có những hoạt động kích động tụ tập đông người, tuần hành biểu tình và cổ súy, hỗ trợ người khiếu kiện, nhằm gây mất an ninh trật tự. Đã có những trường hợp công dân khiếu kiện lên TƯ với thái độ rất bức xúc, thậm chí tự thiêu, đặt ra nhiều khó khăn và thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư tại Trụ sở, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, “được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước và các cơ quan Trung ương, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Trụ sở đã nỗ lực, đoàn kết hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các kỳ họp của Trung ương Đảng và Quốc hội”- ông Điệp cho hay.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng những kết quả đạt được từ quá trình thực hiện 02 Chương trình phối hợp là rất rõ, rất cụ thể. Đặc biệt, hoạt động tổ chức triển khai giám sát việc tiếp công dân, giải quyết KNTC ở cơ sở đã nhận được sự quan tâm, phối hợp tiếp thu, xem xét kiến nghị sau giám sát của các cơ quan nhà nước. 

Người đứng đầu Mặt trận cũng lưu ý, với địa phương, trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc cần sớm trao đổi với TƯ để tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ. Sau khi có văn bản kiến nghị sau giám sát gửi các cơ quan có thẩm quyền, công tác theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo hiệu quả của công tác này. 

“Có thể nói, giải quyết KNTC là công tác khó khăn, phức tạp; giám sát và tìm cách nâng cao hiệu quả của công tác này cũng là một bài toán vô cùng khó cần sự chung sức của tất cả các cơ quan. Tôi mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức tham gia 02 Chương trình phối hợp này sẽ cùng nỗ lực, tích cực, chủ động hơn nữa để nâng cao hiệu quả triển khai các nội dung trên thực tế”- ông Trần Thanh Mẫn nói./.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái  cho rằng, nếu tổ chức giám sát riêng rẽ thì không hiệu quả, vì vậy tới đây cả 5 cơ quan cần phối hợp để cùng nhau giám sát với số lượng nhiều hơn, địa bàn trọng điểm hơn.

“Như vụ Thủ Thiêm  của TP.CHM, qua 20 năm giải quyết chưa dứt điểm. Vừa qua, Thủ tướng đã giao TTCP trong 2 tháng phải có kết luận về việc quy hoạch, thu hồi, tái định cư của người dân Thủ Thiêm. Nếu trong thời gian trước, căn cứ vào quy chế phối hợp mà đưa đoàn giám sát vào giám sát trước để xem giải quyết lần 1, lần 2 làm có tới nơi, tới chốn hay không, có tiếp công dân có đạt không thì chắc chắc vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo hơn”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

  

Đọc thêm