Gia tăng hiệu quả ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại

(PLVN) - Số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở các thị trường lớn đang gia tăng, sẽ tác động rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Do đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp PVTM để ứng phó với các vụ việc do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thép là mặt hàng có tần suất bị điều tra phòng vệ thương mại lớn nhất. (Ảnh minh họa: MOIT)

Hoa Kỳ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến nay đã có 270 vụ việc PVTM từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (148 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (38 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).

Riêng năm 2024, có 28 vụ việc PVTM bị nước ngoài khởi xướng điều tra phát sinh mới của 12 thị trường thì có đến 13 vụ việc từ thị trường Hoa Kỳ, xếp sau đó là thị trường ASEAN, Canada, Hàn Quốc,…

Mới đây nhất, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), trong thông báo quyết định gia hạn thời hạn xử lý hành chính trong thủ tục điều tra áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, DOC đã “hé lộ” thông tin cho thấy, nhiều khả năng, các vụ việc điều tra PVTM của Hoa Kỳ với các quốc gia khác vẫn chưa dừng lại.

Cụ thể, theo DOC, trong năm tài chính 2024 (từ ngày 01/10/2023 - 30/9/2024), DOC đã nhận được 117 đơn kiện mới từ các ngành sản xuất trong nước yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá và/hoặc chống trợ cấp - số lượng đơn này đã vượt quá số lượng đơn kiện cao nhất mọi thời đại trước đó (năm tài chính 2020). Đáng chú ý, chỉ trong 2 tháng đầu năm tài chính 2025 (bắt đầu từ ngày 1/10/2024), DOC đã nhận được thêm 25 đơn kiện.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Hoa Kỳ cũng là quốc gia áp dụng nhiều nhất các biện pháp PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam, bao gồm điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá, tập trung vào các mặt hàng XK chủ lực như đồ gỗ, thủy sản, dệt may, da giày…

Các cuộc điều tra nhằm xác định liệu các sản phẩm này có được trợ cấp từ chính phủ hay bán với giá thấp hơn giá trị thực tế, gây thiệt hại cho ngành sản xuất Hoa Kỳ hay không. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng siết chặt các quy định nhằm ngăn chặn hành vi chuyển tải, gian lận nguồn gốc xuất xứ để hưởng lợi.

Đại diện Vụ này lưu ý, Hoa Kỳ cũng thay đổi quy trình rà soát hàng năm theo hướng tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong thực thi các biện pháp PVTM, tạo ra áp lực lớn hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Cần lưu ý danh sách cảnh báo sớm mặt hàng có nguy cơ

Trước những thách thức ngày càng gia tăng từ các biện pháp PVTM của Hoa Kỳ nói riêng, của các thị trường lớn khác của Việt Nam nói chung, Cục PVTM (Bộ Công Thương) khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu rủi ro và duy trì vị thế cạnh tranh.

Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hoa Kỳ và các nước nhập khẩu là điều kiện tiên quyết, bao gồm minh bạch hóa quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý, đồng thời tăng niềm tin từ phía đối tác và khách hàng.

Đồng thời, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng và hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời các thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia nhập khẩu, từ đó xây dựng chiến lược ứng phó hiệu quả. Biện pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và hạn chế tác động tiêu cực từ các biện pháp PVTM cũng được Bộ Công Thương lưu ý.

Ngoài ra, Cục PVTM cũng đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý với các mặt hàng mà Cục đã cảnh báo, để tránh rơi vào tình trạng có thể bị xem xét điều tra PVTM.

Thực tế, theo Bộ Công Thương, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong trường hợp bị điều tra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp nên chủ động hợp tác, cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan để chứng minh được sự phù hợp của mức giá đưa ra tại các thị trường tiêu thụ. Đồng thời, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường XK.

Trong nước, tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 30 vụ việc PVTM và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu; hiện đang có 16 biện pháp PVTM có hiệu lực. Năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 3 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 3 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Đọc thêm