Triển khai FTA Index giúp Bắc Giang định vị vị thế trong Hội nhập kinh tế Quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khi triển khai FTA Index, Bắc Giang sẽ có cơ hội "định vị" rõ ràng vị thế của mình trên bản đồ hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước. Điều này không chỉ thúc đẩy các giải pháp về truyền thông và xúc tiến đầu tư mà còn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp tận dụng tối đa các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, mở ra cơ hội lựa chọn những nhà đầu tư quốc tế phù hợp, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan để triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Các chương trình này không chỉ tập trung vào thuế quan và thương mại hàng hóa, mà còn bao gồm các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển bền vững, mối quan hệ giữa thương mại và lao động, cùng những yếu tố khác về phát triển bền vững. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn và chính xác hơn về các cam kết từ các FTA, từ đó tận dụng tối đa những cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế.

Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với ưu tiên thu hút đầu tư phát triển 29 khu công nghiệp (KCN) có diện tích lên đến 7.000 ha, trong đó 9 KCN đã đi vào hoạt động và 10 KCN đang hoàn tất thủ tục thành lập.

Tỉnh cũng phát triển 63 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 3.000 ha, trong đó 35 CCN đã đi vào hoạt động và 20 cụm công nghiệp đã được thành lập đang GPMB; 09 khu dịch vụ tổng hợp, cảng cạn ICD, logistics; 03 khu du lịch cấp quốc gia (du lịch sinh thái; du lịch miệt vườn, nghỉ dưỡng, thể thao vui chơi, giải trí); 13 khu tổ hợp sân golf và nghỉ dưỡng (3 sân golf đã đi vào hoạt động, 1 sân golf đang GPMB); 02 khu dự trữ sinh quyển (Tây Yên Tử và rừng nguyên sinh Khe Rỗ); 02 khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh (Khu cảnh quan suối mỡ và hồ Cấm Sơn).

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã ban hành các chiến lược dài hạn để tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bao gồm: Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Kế hoạch nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030, và Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Các cơ quan, đơn vị và địa phương luôn chú trọng vai trò của người đứng đầu và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.

Đồng thời, tỉnh tiến hành rà soát, loại bỏ các quy trình, thủ tục, giấy tờ không cần thiết, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thuế, xuất nhập khẩu và đất đai. Tỉnh cũng tiếp tục công khai, minh bạch thông tin và tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp để tạo thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại những cơ hội hợp tác và đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Nhờ đó, thu hút đầu tư FDI từ năm 2020 đến nay luôn đứng tốp đầu của cả nước. Thu hút đầu tư đạt kết quả khả quan với nhiều dự án đầu tư trong nước có quy mô lớn được chấp thuận nhất là dự án đầu tư hạ tầng các KCN và các dự án FDI mở rộng càng khẳng định hơn nữa Bắc Giang là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Tính đến 30/11/2024, toàn tỉnh đã thu hút được trên 2,04 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 75% so cùng kỳ; trong đó cấp mới 24 dự án DDI với số vốn đăng ký 17.685,93 tỷ đồng, gấp 2,5 lần; 66 dự án FDI với số vốn đăng ký 459,38 triệu USD bằng 35,5% cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 21 dự án đầu tư trong nước, vốn bổ sung đạt 2.790,88 tỷ đồng, gấp 1,5 lần cùng kỳ và 63 dự án FDI vốn tăng thêm là 762,02 triệu USD gấp 2 lần cùng kỳ.

Tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics.... tính đến nay, có trên 30 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào tỉnh kế đến là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản….

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đánh giá, hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại tác động tích cực đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ, mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo ra môi trường cạnh tranh, cơ hội hợp tác quốc tế. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Giang hiện diện tại các thị trường FTA mà Việt Nam là thành viên. Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tỉnh duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Dự kiến tổng giá trị xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 60 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2023, hoàn thành 100% kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,0 tỷ USD, tăng 20,4%, trong khi nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 8,1%. Các đối tác thương mại lớn của tỉnh bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Tây Ban Nha. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm hàng dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện, cùng các thiết bị điện...

Đọc thêm