Tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 do Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức ngày 13/12 tại TP Hồ Chí Minh, nhiều vướng mắc về thủ tục hải quan của doanh nghiệp đã được đại diện Tổng cục Hải quan giải đáp thỏa đáng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TD)
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TD)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh kinh tế trong nước phải chịu nhiều áp lực từ những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Tổng quy mô của các chính sách miễn giảm này khoảng 191 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2024 nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan, kết quả thu ngân sách nhà nước đã đạt những kết quả tích cực, đạt 109,56% chỉ tiêu được giao.

Ban Tổ chức Hội nghị đã giới thiệu tới đại diện khoảng 450 doanh nghiệp về các nội dung mới của chính sách thuế, hải quan. Các vướng mắc liên quan đến quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ qua kho ngoại quan cho đối tác nước ngoài; xử lý nguyên phụ liệu khi hợp đồng gia công kết thúc; hoàn thuế VAT; hóa đơn điện tử… đã được đại diện Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế giải đáp thỏa đáng cho doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuế, hải quan địa phương kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đơn cử, liên quan đến vướng mắc của Công ty Cosmo Việt Nam về xử lý nguyên phụ liệu khi hợp đồng gia công kết thúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, trường hợp hợp đồng gia công dư thừa căn cứ Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 42 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC có hướng dẫn, chế tài xử lý. Theo đó, một là, tái xuất ra nước ngoài trả lại bên gia công. Hai là, thực hiện thanh lý bán ra thị trường nội địa; cho, biếu, tặng hoặc là tiêu hủy.

Tuy nhiên, trong trường hợp bán vào thị trường nội địa, doanh nghiệp phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng để quản lý thuế. Trong trường hợp tiêu hủy, doanh nghiệp sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu hủy và có sự giám sát của cơ quan Hải quan.

Đối với các sản phẩm gia công, nếu trường hợp đối tác nước ngoài chỉ định xuất khẩu tại chỗ thì đề nghị Công ty căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 35 Thông tư 38, 39 để thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ. Trong trường hợp thực hiện tiêu hủy, doanh nghiệp thông báo cho cơ quan Hải quan nơi đăng ký thực hiện thủ tục hải quan để giám sát theo quy định.

Liên quan đến vướng mắc về hoàn thuế, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty VUK cho biết, việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ thời gian qua gặp khó khăn do doanh nghiệp khó xác định được đối tác chỉ định ở nước ngoài có hiện diện ở Việt Nam hay không. Bởi để xác định được điều này cần phải kiểm tra luôn việc đầu tư của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Điều này vượt khả năng của doanh nghiệp. Khi mua bán, đối tác nước ngoài cam kết không hiện diện tại Việt Nam doanh nghiệp sẽ tiến hành ký kết. Nhưng thanh tra, kiểm tra phát hiện đối tác có góp vốn hoặc có cổ phần tại Việt Nam, dẫn đến doanh nghiệp không được hoàn thuế.

Giải đáp thắc mắc, Phó Tổng cục trưởng Âu Anh Tuấn cho biết, hiện nay Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và đã lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành. Dự kiến trong tháng 12 sẽ trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP có điều khoản chuyển tiếp liên quan đến bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35, sau khi bãi bỏ có thời hạn một năm để cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện. Cụ thể, trong điều khoản chuyển tiếp ghi rất rõ, trong thời vòng 1 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện thủ tục xuất khẩu nhập tại chỗ với trường hợp thương nhân nước ngoài mua bán với doanh nghiệp Việt Nam và thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng đã ghi nhận một số vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Các vấn đề vượt thẩm quyền, đại diện các cơ quan của Bộ Tài chính khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, hải quan, các chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Tổng cục Hải quan thông tin, tháng 11 số thu ngân sách toàn ngành đạt 37.288 tỷ đồng, giảm 5,5% so với tháng trước. Dù vậy, tính chung 11 tháng kết quả thu ngân sách của ngành Hải quan vẫn tăng trưởng khả quan. Theo đó, hết tháng 11, số thu ngân sách đạt 384.719 tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đọc thêm