Gia tăng trẻ em mắc COVID-19 - không nên lo lắng thái quá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Số ca mắc COVID-19 ở trẻ em trên thế giới có sự gia tăng đáng kể. Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính xác nhưng cũng ghi nhận số ca mắc gia tăng ở trẻ em và vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo lắng nhất là hậu COVID-19.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cha mẹ cần bình tĩnh

Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Việt Đức cho hay, cùng với sự bình thường mới, mở cửa du lịch, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì sức chống chọi của trẻ em rất tốt, tỷ lệ nhập viện cũng không cao như người lớn và người già.

Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, biểu hiện thường thấy và cũng là vấn đề lớn nhất của trẻ khi mắc COVID-19 là sốt. Nếu sốt nhẹ thì không đáng lo, còn trong trường hợp trẻ bị sốt cao, cha mẹ nên thực hiện ba động tác: Thứ nhất, cho trẻ uống nhiều nước, nếu trẻ đang bú thì cho bú liên tục; Thứ hai, cho trẻ uống nước oresol; Thứ ba, chườm mát ở bẹn, trán. Trường hợp trẻ sốt cao (trên 38,5 độ) thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol. Trường hợp trẻ bị khó thở, cha mẹ có thể mua máy SpO2 theo dõi tại nhà để xử trí kịp thời.

Thực tế, khi trẻ mắc COVID-19, khoảng 9-10 ngày mới âm tính, nhưng chủ yếu chỉ sốt 2-3 ngày là hết. Ngoài ra, các vấn đề tim, phổi… cũng không đáng lo vì các em hồi phục rất nhanh và không bị ảnh hưởng nhiều đến các bộ phận này. Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng về vấn đề hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ mà ảnh hưởng đến tâm lý cũng như lan truyền cho con ám ảnh mơ hồ trong tương lai, rằng ngày xưa mình bị COVID-19 nên giờ bị ảnh hưởng (mệt mỏi, mất ngủ, tức ngực, khó thở, thậm chí mới học dốt…). Ngược lại, nên động viên để trẻ vượt qua bệnh tật và truyền cho con em mình những suy nghĩ tích cực, sự lạc quan về bệnh tật…

Bác sĩ Trần Quốc Khánh cũng cho hay, còn một vấn đề khiến các bậc phụ huynh hoang mang đó là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Thực ra, đây chỉ là tình trạng các bộ phận cơ thể, bao gồm: tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa bị viêm cùng lúc. Vì không hiểu biết cụ thể về hội chứng bệnh này nên nhiều người vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, nó không quá ghê gớm như mọi người vẫn nghĩ.

Theo nghiên cứu, thống kê từ các viện nhi khoa ở Mỹ, trẻ bị mắc hội chứng viêm đa hệ thống vô cùng ít, với tỷ lệ khoảng 1/3000 (nghĩa là 3000 trẻ nhiễm COVID-19 mới có 1 trẻ bị MIS-C) và hầu hết các trẻ bị hội chứng này sẽ trở lại bình thường sau khoảng 3-6 tháng. Thậm chí các tổn thương ở tim cũng sẽ khỏi hoàn toàn, kết quả cộng hưởng từ ở tim của trẻ, kết quả cho thấy các chức năng của tim hoàn toàn bình thường.

Vì lẽ đó, bác sĩ Trần Quốc Khánh khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng, thấy ai mách gì cũng chữa, cho trẻ uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng dẫn đến suy gan, suy thận, loạn khuẩn đường tiêu hóa, rối loạn tâm lý. Cũng theo bác sĩ Khánh, các chuyên gia y tế đã khẳng định, tiêm vaccine cho trẻ vẫn là biện pháp ngăn ngừa nhiễm COVID-19 hiệu quả nhất, từ đó cũng giúp giảm nguy cơ mắc các hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ. Khi Bộ Y tế đã có lộ trình và triển khai việc tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em, phụ huynh nên cho con đi tiêm vì các nghiên cứu đã chỉ ra khi trẻ em được tiêm phòng, tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ bị diễn biến nặng cũng như mắc các hội chứng hậu COVID-19 cũng sẽ giảm đi.

Không nên khám tràn lan hậu COVID-19

Liên quan đến vấn đề hậu COVID-19 ở trẻ em, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hô hấp Nhi Việt Nam, Ủy viên Hội đồng tư vấn bệnh phổi trẻ em thế giới cho hay, trẻ em rất ít khi bị hậu COVID-19.

Tuy nhiên, khi trẻ bị mắc COVID-19 thường bị cách ly ở nhà, trong khi đó các em phải được chạy nhảy, phải được đến trường giao lưu cùng thầy cô và bạn bè vì các em rất nhiều năng lượng. Chính việc ở nhà nhiều, suốt ngày nhìn lên màn hình ti vi, hoặc máy tính đã dẫn đến rất nhiều vấn đề. Kể cả không mắc COVID-19, các em cũng sẽ bị các biểu hiện như: lo lắng, trầm cảm, thậm chí dẫn đến tự tử... Do đó, nhiều trường hợp bị lây nhiễm COVID-19 từ cha mẹ, ông bà, rồi có các triệu chứng lo lắng, bồn chồn…, chưa chắc các em đã bị hậu COVID-19, mà do các em bị giãn cách, bị học online quá lâu ở nhà tác động lên tâm lý, đặc biệt các em ở giai đoạn chuyển cấp (vào lớp 10 hoặc sắp tốt nghiệp lớp 12). Khi này, các em còn thêm mối lo học hành, thi cử nên càng dễ bị stress, trầm cảm…

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thời gian qua hầu hết các cơ sở y tế có khoa nhi đều bị quá tải do số trẻ em đến khám COVID-19 và hậu COVID-19 gia tăng chóng mặt. Để hạn chế tình trạng này, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo chỉ trong trường hợp trẻ mắc COVID-19 sau khi âm tính vẫn có các triệu chứng nặng như: mệt mỏi; ho lâu ngày không khỏi; khó thở khi phải gắng sức; rối loạn ngôn ngữ; tâm trạng thay đổi… thì hãy nên đi khám.

Theo vị chuyên gia này, tỷ lệ trẻ em mắc hậu COVID-19 thấp hơn rất nhiều so với người lớn. Thường trẻ em bị hậu COVID-19 bị hai triệu chứng chính là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Cụ thể, trẻ em bị COVID-19 sau 4-5 tuần mà vẫn bị mệt mỏi thì hãy nghĩ đến các chứng bệnh này. Bệnh này khám rất khó, vì phải làm rất nhiều xét nghiệm (siêu âm tim, điện tâm đồ, làm các xét nghiệm về men tim) mới phát hiện ra. Thứ hai, khi các cháu bị khó thở sẽ phải khám về phổi, tuy nhiên trước đó các cháu phải được chẩn đoán viêm phổi do COVID-19, nếu không bị thì không cần thiết. Vì ngoài khám lâm sàng, các cháu còn phải chụp CT để phát hiện bệnh (nếu chụp phim thường không phát hiện ra). Còn triệu chứng rối loạn lo âu thì có thể đi khám nhưng không nên quá lo lắng.

Thực tế, rất nhiều phụ huynh vì quá lo lắng đã cho con đến bệnh viện chụp phổi, việc làm này theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng là không cần thiết, thậm chí có hại bởi lẽ trước khi chụp phổi, bao giờ các bác sĩ cũng hỏi về triệu chứng lâm sàng, nếu cần thiết mới cho xét nghiệm.

“Ở giai đoạn này, các bậc cha mẹ nên giữ vững tinh thần, không nên quá hoang mang, lo sợ. Chính sự đánh giá COVID-19 quá mức đã dẫn tới những hoang mang, lo lắng trên. Hiện nay, chúng ta đã có một số cơ sở y tế có các gói khám hậu COVID-19. Nếu các phụ huynh khám tất cả các bệnh sẽ rất tốn kém và không cần thiết, chỉ nên khám từng bộ phận để tìm ra bệnh. Ví dụ như con mình khó thở thì chỉ nên khám phổi; con bị mệt mỏi thì tập trung vào tim; con bị lo âu, trầm cảm thì khám về tâm lý…” - PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng có lời khuyên.

Đọc thêm