Giá vàng giảm mạnh sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau chỉ đạo khẩn của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường vàng, sáng nay, giá vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Một số doanh nghiệp tạm thời ngưng bán vàng lẻ, chỉ giới hạn bán mỗi người một chỉ, thậm chí thông báo “tạm hết hàng”.
Giá vàng giảm 3 triệu đồng/lượng sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Giá vàng giảm 3 triệu đồng/lượng sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Giao dịch lúc 9h30 hôm nay - 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC thông báo hiện chỉ bán vàng cây, không có vàng chỉ, nếu cần liên hệ lại sau. Bảo Tín Minh Châu cũng chỉ bán 1 chỉ vàng/người.

Giá vàng miếng được niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC và Bảo Tín Minh Châu ở mức 113,5 - 117,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so chốt phiên ngày hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 115 - 118,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày hôm qua..

Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng ở mức 113 - 117,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày hôm qua. Tuy nhiên hiện công ty cũng đã thông báo tạm hết hàng.

Trước đó, ngày 18/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước.

Theo đó, trước diễn biến giá vàng tăng bất thường, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định nhằm ổn định thị trường vàng. Đồng thời, yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra tình trạng trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ… trên thị trường vàng, theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 04/4/2025.

Ngân hàng Nhà nước cũng được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin, truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.

Thông tin liên quan tới thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa có báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội.

Theo NHNN, nhờ loạt giải pháp được đưa ra, đến cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp.

Trong quý I/2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ kỷ lục, tăng từ mức 2.635 USD/ounce (ngày 2/1) lên mức cao nhất tại 3.047 USD/ounce vào ngày 19/3.

NHNN cũng chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng trong thời gian qua. Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga-Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Israel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông.

Thứ hai, nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối.

Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…

Trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới, từ mức 84,05 triệu đồng/lượng vào ngày đầu năm 2025, tăng lên quanh mức 100,4 triệu đồng/lượng ngày 19/3/2025 (hiện tại ở mức 118 triệu đồng/lượng - PV).

Theo đánh giá của NHNN, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên, chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024 (có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%), đến nay còn khoảng 2-4 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 3-5%), nhiều thời điểm giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.

Diễn biến này cho thấy với những biện pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được kiểm soát trong biên độ phù hợp.

Về quản lý thị trường vàng, NHNN cho biết, đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động quản lý kinh doanh vàng, trong đó trọng tâm là tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.