Giá vàng hôm nay 14/10: Thế giới neo cao, trong nước biến động nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục neo cao trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng tăng. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá vàng biến động nhẹ sau phiên tăng mạnh trước đó.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 13/10:

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 57,35-58,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 13/10. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 57,50-58 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 13/10. Chênh lệch giá mua - bán vàng 500.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 57,15-58 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 13/10. Chênh lệch giá mua – bán vàng 850.000 đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.770,10 USD/ounce, tăng 10,10 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.860), tương đương 49,30 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 8,77 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng tăng, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9%, giảm 0,1 điểm % so với dự báo trước là 6%.

Có thể thông tin này khiến giới đầu tư tài chính suy đoán tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại. Từ đó, họ ồ ạt bán cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Hồng Kông, Nhật Bản… giảm điểm rất mạnh.

Trong khi đó, giá năng lượng trên toàn cầu ngày càng nóng lên. Hãng Bloomberg đưa tin nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông tăng cao sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt than và khí đốt tự nhiên. Áp lực mới nhất đối với nguồn cung năng lượng đến từ Trung Quốc khi các khu vực khai thác trọng điểm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Do giá năng lượng “leo thang” nên giới đầu tư lo ngại lạm phát tại các quốc gia có nền kinh tế lớn gia tăng. Theo đó, họ tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào thị trường vàng. Tuy nhiên, nhận định về triển vọng giá vàng, Ngân hàng ABN AMRO cho rằng, vàng thậm chí rơi thảm xuống mức giá 1.500 USD/ounce vào cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại lạm phát tăng cao trong bối cảnh giá năng lượng tăng dữ dội trong những phiên gần đây, khiến giá vàng đẩy lên cao.

Giới đầu tư cũng lo ngại cho thị trường tài chính thế giới sau khi ông lớn bất động sản Trung Quốc Evergrande tiếp tục không thực hiện một khoản thanh toán nợ lớn mới.

Các nhà kinh tế thường theo dõi chặt chẽ các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhiều khả năng Fed sẽ thông báo cắt giảm chương trình mua trái phiếu trước cuối năm nay.