Giá vàng hôm nay, 14/3: Tăng nhẹ phiên cuối tuần, vàng có còn “cửa” bứt phá?

(PLVN) -Tuần qua, giá vàng trong nước ghi nhận một tuần giằng co với biên độ hẹp. Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng trong nước đã điều chỉnh tăng khoảng 200.000 đồng/lượng.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC trong nước được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 55,35-55,87 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch buổi sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 520.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 55,37-55,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 170.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng 400.000 đồng/lượng.

Tại PNJ SJC giá vàng niêm yết ở mức 55,30-55,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 500.000 đồng/lượng.

Tuần qua, ghi nhận một tuần giằng co của giá vàng trong nước với các phiên tăng-giảm đan xen. Tính chung, một tuần giá vàng tăng khoảng 200.000 đồng/lượng so với phiên đầu tuần, vàng vẫn chưa thể bứt phá lên mốc 56 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới, chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng được niêm yết ở mức ở mức 1.727,9 USD/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.140), tương đương 48,71 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 7,16 triệu đồng/lượng.

Tuần qua, trên thị trường thế giới, giá vàng chứng kiến hàng loạt biến động mạnh do chịu nhiều tác động của tình hình tài chính thế giới cũng như các thông tin xung quanh gói hỗ trợ quy mô lên tới 1.900 tỉ USD của Mỹ.

Nhiều yếu tố tác động tiêu cực tới giá vàng khiến giá vàng thế giới trong tuần qua có thời điểm giảm mạnh xuống dưới 1.680 USD/ounce, mức giá thấp nhất của giá vàng thế giới ghi nhận từ đầu tháng 4/2020. Trong các ngày sau đó, giá vàng có dấu hiệu hồi phục trở lại và thậm chí có thời điểm tiến sát mốc 1.740 USD/ounce. Tuy nhiên, hàng loạt yếu tố mới xuất hiện nhanh chóng làm đứt gãy đà hồi phục của giá vàng thế giới.

Theo các nhà phân tích giá, đồng USD tăng giá và việc các dòng tiền dịch chuyển đến các kênh đầu tư khác, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng và thị trường lạc quan về sự phục hồi của kinh tế thế giới… là các yếu tố chính làm giá vàng bị lu mờ.

Một số chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, vàng nhiều khả năng dao động trong phạm vi 1.700-1.800 USD/ounce khi thị trường cố gắng tìm điểm cân bằng về lợi suất. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đợi thêm thông tin mới nhất từ cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), dự kiến diễn ra vào tuần tới để biết rõ hơn về định hướng chính sách tiền tệ.

Các thông tin khả quan từ các nền kinh tế lớn càng khiến thị trường tin tưởng kinh tế thế giới sớm hồi phục. Theo đó, giới đầu tư tài chính có xu hướng giảm nhu cầu trú ẩn vào vàng, dồn vốn vào cổ phiếu và các kênh đầu tư tài chính khác... khiến vàng bị lu mờ, nhu cầu sở hữu vàng giảm rõ rệt.

Đọc thêm