Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 15/10:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 57,10-57,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 200.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 15/10. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 57,10-57,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 15/10. Chênh lệch giá mua - bán vàng 600.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 57-57,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 15/10. Chênh lệch giá mua – bán vàng 700.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.781,50 USD/ounce, giảm 14,6 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.860), tương đương 49,61 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 8,21 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới quay đầu giảm khi lạm phát Mỹ (CPI) tháng 9 hiện đã quay trở lại mức 5,4%, tăng từ mức 5,3% trong tháng 8, nhiều hơn so với kỳ vọng của thị trường. Thị trường dự đoán, lạm phát tăng sẽ buộc các nhà tạo lập chính sách phải tính tới phương án thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn cũng sẽ xem xét kỹ dữ liệu CPI tháng 9, khi cân nhắc thời điểm giảm lượng mua trái phiếu chính phủ hàng tháng.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của Mỹ tăng ổn định và có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh giá năng lượng leo thang. Điều này có thể gây áp lực khiến ngân hàng trung ương Mỹ tiến hành bình thường hóa chính sách tiền tệ sớm hơn. Trong khi đó, biên bản họp tháng 9 của Fed cho thấy Mỹ có thể bắt đầu giảm hỗ trợ kinh tế vào giữa tháng 11. Mặc dù ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại lạm phát cao có thể kéo dài hơn dự kiến, họ vẫn chưa thống nhất được thời điểm cần thiết để nâng lãi suất.
Việc giảm hỗ trợ kinh tế và nâng lãi suất thường kéo lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, theo đó làm gia tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng. Tuy nhiên, theo Edward Moya, lạm phát dai dẳng hơn có thể có nghĩa là Fed sẽ quyết liệt hơn khi thắt chặt chính sách tiền tệ. Vàng cũng đang được hưởng lợi khi Quỹ tiền tệ thế giới IMF hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống 5,9% so với mức ước tính 6% của tháng 7. Dự báo cho năm 2022 giữ nguyên ở mức 4,9%. Vàng cũng được hỗ trợ bởi những bất ổn về năng lượng và bất ổn tài chính tại Trung Quốc.
Giá vàng trên thị trường quốc tế giảm trước sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán quốc tế. Hãng Reuters loan tin nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn nhận định lạm phát toàn cầu nóng lên chỉ là tạm thời. Bởi lẽ, nguyên nhân chính khiến lạm phát đi lên là chuỗi cung ứng bị đứt gãy do Covid-19 khiến giá hàng hóa, dịch vụ leo thang .
Vì vậy, khi tình hình dịch bệnh ngày càng tốt lên, nguồn cung nguyên liệu sản xuất sẽ được khôi phục, giá hàng hóa có thể giảm giúp lạm phát từng bước hạ nhiệt. Thông tin này đã phần nào xoa dịu giới đầu tư tài chính về những rủi ro có thể đến từ lạm phát. Từ đó, họ giảm nhu cầu trú ẩn vốn vào kim loại quý.